Thương mại điện tử Việt Nam vươn lên thứ 3 Đông Nam Á

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 07/08/2024 07:39 GMT+7

VTV.vn - 6 tháng đầu năm, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là 1,98 triệu tỷ đồng. Số thuế đã nộp khoảng gần 55.000 tỷ đồng.

Thương mại điện tử là mô hình kinh doanh cho phép các công ty, cá nhân mua hàng và bán hàng hóa và dịch vụ qua internet, thay đổi hoàn toàn phương thức mua sắm truyền thống. Theo sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, số lượng người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến tăng lên đến 61 triệu người, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người đạt mức 336 USD/năm, tăng trên 16%.

Khoảng 800 tỷ đồng là số tiền mà người tiêu dùng Việt Nam chi mỗi ngày để mua sắm trực tuyến trong 6 tháng đầu năm nay. Thông tin theo báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm nay của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric. Con số này tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà bán hàng tập trung cho các sản phẩm chăm sóc nhà cửa, cộng với việc biết cách tận dụng xu hướng mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội giải trí, doanh nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.

"Doanh nghiệp nào họ có thể bắt nhịp được xu hướng kinh doanh mạng xã hội, biết cách khai thác câu chuyện truyền thông của họ tốt hơn. Làm được những kênh bổ trợ, thì tôi nghĩ năm nay một số nhóm ngành sẽ tăng trưởng rất tốt", ông Trần Lâm, chủ gian hàng trực tuyến Julyhouse chia sẻ.

Ngành thương mại điện tử tăng trưởng về lượng, thì đòi hỏi về chất lượng cũng sẽ cao hơn. Theo giới chuyên gia, đây cũng là lý do mà doanh nghiệp sàn có xu hướng đưa ra các chính sách chiều chuộng trải nghiệm của người mua hơn.

Thương mại điện tử Việt Nam vươn lên thứ 3 Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người đạt mức 336 USD/năm, tăng trên 16%.

Như một sàn vừa qua mở tính năng hủy đơn hàng đang giao cho người mua. Điều trước đó không sàn nào làm.

Ông Phan Mạnh Hà - Giám đốc Đối ngoại, Shopee Việt Nam cho biết: "Thứ nhất là hạn chế giao hàng không thành công do người mua từ chối. Thứ hai là rút ngắn thời gian chờ đợi hoàn trả do dừng việc giao hàng kịp thời".

Phía người dùng cũng khó tính hơn. Số liệu cho thấy số lượng cửa hàng chính hãng trên thương mại điện tử đã tăng hơn 12% trong nửa đầu năm. Thị phần hàng chính hãng cũng tăng, hiện đạt mức 6%. Điều này tạo sự cạnh tranh giữa các nhóm doanh nghiệp, khi người dùng có thể xem livestream một sản phẩm trên sàn này, nhưng sẽ tìm kiếm để mua sản phẩm đó trên sàn khác nếu thấy tin tưởng chất lượng hơn.

Cũng vì thế đặt ra yêu cầu cấp bách về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, chống thất thu thuế. Mới đây nhất Tổng cục Thuế đã có công văn về nội dung này, trong đó: Hành vi trốn thuế khi livestream bán hàng sẽ bị chuyển hồ sơ sang công an để xử lý.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, 6 tháng đầu năm, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là 1,98 triệu tỷ đồng. Số thuế đã nộp khoảng gần 55.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Hiện đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử đến từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Ireland; Thụy Sĩ, Australia; Anh. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai - nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử là trên 4.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ dữ liệu quản lý thương mại điện tử

Thương mại điện tử Việt Nam vươn lên thứ 3 Đông Nam Á - Ảnh 2.

Nhiều người bán hàng online đã chủ động kê khai, nộp thuế để tránh bị xử lý trước pháp luật.

Điều 17 Luật Quản lý thuế, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh thì đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh thì đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế với hạt động thương mại điện tử, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 18 yêu cầu các bộ ngành phải chia sẻ thông tin cho cơ quan thuế.

Thông qua số điện thoại, tài khoản ngân hàng, hay căn cước công dân, mã số thuế…, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các Bộ ngành định danh được người bán hàng online. Vì thế, nhiều người bán hàng online đã chủ động kê khai, nộp thuế để tránh bị xử lý trước pháp luật.

"Tất cả những thông tin sản phẩm mình bán ra về doanh thu, số lượng đều được gửi về cho Chi cục thuế, phối hợp rất chặt chẽ, nên tôi nghĩ việc đóng thuế là cần thiết", anh Phạm Văn Tuấn Anh, chủ thương hiệu An Café tại Bắc Ninh chia sẻ.

Từ cơ sở dữ liệu nội ngành đã được xây dựng, cơ quan thuế sẽ kết nối dữ liệu với các cơ quan khác để tạo ra cơ sở dữ liệu lớn và định danh được từng doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Đến nay, Bộ Công thương đã cung cấp cho Bộ Tài chính thông tin về 929 sàn thương mại điện tử và 284 website. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ dữ liệu về 130 đơn vị viễn thông, quảng cáo phát thanh - truyền hình. Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp gần 158 triệu tài khoản thanh toán và Tổng cục Thuế đang phối hợp với Bộ Công an sử dụng mã số định danh công dân làm mã số thuế.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết: "Nhờ sự phối hợp rất tốt giữa các Bộ ngành cũng sự nỗ lực trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nên các tổ chức và cá nhân đã có ý thức tự giác kê khai theo quy định của pháp luật".

Là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, Bộ Công thương đang hoàn thiện hạ tầng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung về các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh thương mại điện tử và bước đầu đã kết nối với hạ tầng cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.

"Doanh nghiệp về thương mại điện tử đã được phê duyệt thông báo và đăng ký trên hệ thống dữ liệu của Bộ Công thương sẽ được chuyển sang cơ quan thuế, từ đó cơ quan thuế có thể chia sẻ cho những đơn vị quản lý thuế tại địa phương để đi sâu đi sát quản lý các đơn vị này", bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công thương cho biết.

Với sự chia sẻ dữ liệu của các Bộ ngành có liên quan, đến nay, ngành thuế đang kiểm soát được hơn 8 tỷ lượt giao dịch thương mại điện tử với giá trị 72.000 tỷ đồng, góp phần chống thất thu đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực này.

Nói về tổng giá trị hàng hóa qua thương mại điện tử năm qua, thì mức tăng trưởng ở các thị trường khác từ 10-30% đã là cao, nhưng ấn tượng nhất là Việt Nam với mức tăng tới gần 55%. Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng được mở rộng và với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, với sự tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mới đây, Tổng cục Thuế đã có "Thư ngỏ" gửi đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam để trao đổi việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước