Tròn 1 tháng kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định 1034 về kế hoạch đưa toàn bộ 13 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đến nay một số địa phương như Bắc Giang, Lạng Sơn hay Hải Dương đã thu được một số kết quả tích cực.
Khác với những năm trước, vụ na năm nay, những quả na từ vườn nhà anh Hưng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) đã được bán trên sàn thương mại điện tử. Mỗi ngày, anh Hưng đóng hơn 20 đơn hàng gửi đi các tỉnh.
"Bây giờ mình chỉ ở nhà đóng gói thôi. Bán trên sàn quả na đóng gói sẽ đều và đẹp hơn", anh Hưng cho biết.
Tham gia sàn thương mại điện tử giúp các hộ nông dân bán được số lượng hàng nhiều hơn. Ảnh minh họa: Dân trí.
Tại tỉnh Lạng Sơn, sau 1 tháng triển khai đã có gần 21.000 cửa hàng số và hơn 4.000 loại hàng hóa được đưa lên Internet. Mặc dù vậy, do nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp là nhóm có nhiều hạn chế về công nghệ, quản trị, lại nằm ở các địa bàn mà vận chuyển thiếu thuận lợi, trong bối cảnh dịch COVID-19 càng khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị tăng cường lượng xe được cấp phép cho 2 doanh nghiệp bưu chính Viettelpost và VNpost để đảm bảo năng lực vận chuyển, tạo lưu thông hàng hóa ổn định.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu từ nay đến hết năm 2021 sẽ có 5 triệu hộ hoàn thành việc đưa hàng hóa lên thương mại điện tử. Đây sẽ là bước khởi đầu và là chìa khóa để thúc đẩy và tạo đột phá cho phát triển kinh tế số nông nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!