Hiện nay, ở đây có tới hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhỏ, trong số này có hơn 100 công ty mới thành lập có giá trị hơn 1 tỷ USD. Đâu là bí quyết để nơi này trở nên thu hút các doanh nhân tới vậy?
Dường như tất cả mọi người ở thung lũng Silicon, vịnh San Francisco đều đang ấp ủ một ý tưởng, một kế hoạch. Được cho là thiên đường khởi nghiệp của nước Mỹ, 41% vốn đầu tư cho các công ty mới trên toàn nước Mỹ được rót vào đây. Từ một người hưu trí cho tới học sinh cấp 3, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một doanh nhân.
Anh Huan Ho, nhà đồng sáng lập Rally Team, cho biết: “Ở chỗ tôi làm trước đây, mỗi tháng chỉ có một sự kiện khởi nghiệp, ở đây mỗi ngày lại có tới ba sự kiện. Có rất nhiều công ty lớn, nhiều người có tầm nhìn và luôn sẵn sàng giúp đỡ ở đây. Tôi nghĩ, công ty của mình sẽ không được như bây giờ nếu tôi đã không khăn gói tới thung lũng Silicon”.
Ở thung lũng Silicon, thất bại chẳng có gì đáng xấu hổ. Trái lại, dám chấp nhận rủi ro và thất bại mới là tinh thần nuôi dưỡng thành công ở đây. Khoảng 2/3 công ty khởi nghiệp ở thung lũng Silicon ra đời rồi phá sản. Tuy nhiên, ý tưởng mới là tài sản lớn nhất và quan trọng là các doanh nhân phải dám bước tới.
Anh Eric Simons, nhà đồng sáng lập Thinkster, nói: “Ba công ty của tôi đã bị phá sản và giờ tôi phải sống chung với bạn. Tuy nhiên, ngày nào tôi cũng ngồi phác thảo các ý tưởng của mình, dù chúng có điên rồ, chỉ cần tôi tin là mình làm được.”.
Ý tưởng cần được lưu thông nhanh nên các thủ tục hành chính rườm rà trong nội bộ doanh nghiệp thường được cắt giảm tối đa. 60% doanh nghiệp ở thung lũng Silicon cho rằng mình có thể ra quyết định nhanh hơn đối thủ.
Cùng với đó, phong cách sống và làm việc cởi mở cùng với các chương trình liên kết giáo dục tiếp tục thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới tới đây. Thung lũng Silicon ngày nay đã trở thành một mô hình khởi nghiệp tối ưu được áp dụng tại nhiều quốc gia.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.