Thúc đẩy tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến lâm, thuỷ sản

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 13/05/2023 06:19 GMT+7

VTV.vn - Thời điểm này, nhu cầu vốn đang trở nên cấp thiết với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lâm, thuỷ sản.

Doanh nghiệp kỳ vọng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản ngay trong tháng 5 này. Chỉ đạo được đưa ra trong bối cảnh khó khăn bủa vây các doanh nghiệp ngành lâm sản, thuỷ sản. Nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì được 30 - 40% công suất, cá biệt có doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động vì thiếu đơn hàng.

Xuất khẩu 4 tháng đầu năm của ngành gỗ lâm sản đạt 4,2 tỷ USD, giảm 30% còn thuỷ sản đạt 2,6 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm này, nhu cầu vốn đang trở nên cấp thiết với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lâm, thuỷ sản. Họ cần vốn để duy trì sản xuất, vốn để thu mua nguyên liệu, vốn để phát triển thị trường, tìm kiếm đơn hàng.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng - Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH Xuất khẩu Thuỷ sản EXPT bày tỏ: "Hy vọng các ngân hàng sẽ hỗ trợ chúng tôi nhiều hơn về lãi suất để chúng tôi phát triển".

Bà Trương Thị Cúc - Giám đốc điều hành, CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Thanh Hoá nói: "Trong thời gian qua, Chính phủ đã rất kịp thời chỉ đạo những chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hơn".

"Lúc doanh nghiệp đang khó khăn nó khác gì tung phao cho các doanh nghiệp, tuy nhiên để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đó, tiếp cận được lãi suất thấp là cả một quá trình", ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoa Sen 68 cho hay.

Thúc đẩy tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến lâm, thuỷ sản - Ảnh 1.

Thời điểm này, nhu cầu vốn đang trở nên cấp thiết với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lâm, thuỷ sản. Ảnh minh họa.

Cần sớm có chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp thuỷ sản

Trong khi thuỷ sản cần nước để phát triển thì các doanh nghiệp của ngành này lại đang cần một chiếc phao cứu sinh để có thể vượt qua sóng gió của thị trường. Chiếc phao cứu sinh đó chính là gói tín dụng 10.000 tỷ sớm được thực thi. Chỉ riêng trong Hiệp hội các doanh nghiệp thuỷ sản đã có tới 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn mỏng, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Trước đây, Công ty TNHH Hoa Sen 68 (Thanh Hóa) thường thu mua cá thu, cá ngừ của người dân đánh bắt ngay tại cảng cá để làm các sản phẩm đông lạnh xuất khẩu. Từ đầu năm tới nay, giá thu mua nguyên liệu tăng cao, trong khi dòng vốn thì mỏng, nên kinh doanh không hiệu quả. Họ buộc phải chuyển hướng từ xuất khẩu cá đông lạnh sang chế biến cá tuyết sấy khô để xuất khẩu. Tuy nhiên, để đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc mới, họ cần hàng chục tỷ đồng.

"Chúng tôi mong muốn lãi suất xuống 4 - 5%, như bây giờ 9 - 10% doanh nghiệp cân đối rất khó", ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoa Sen 68 bày tỏ.

Thúc đẩy tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến lâm, thuỷ sản - Ảnh 2.

Chỉ riêng trong Hiệp hội các doanh nghiệp thuỷ sản đã có tới 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn mỏng, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Ảnh minh họa.

Còn với Công ty TNHH Xuất khẩu Thuỷ sản EXPT, mới đi vào hoạt động được 1 năm, nhưng hiện chỉ đủ vốn quay vòng vài tháng sản xuất nên họ rất mong chờ được hưởng dòng vốn ưu đãi để có thể mua tích trữ nguyên liệu duy trì sản xuất.

Mực tươi là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp này. Hiện họ có kế hoạch xuất khẩu 300 tấn thành phẩm sang thị trường Nhật, tuy nhiên do khó khăn về vốn họ chỉ đủ ổn định sản xuất từ 2 - 3 tháng, nên mong muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì sản xuất ổn định.

Ngoài ra, Hiệp hội các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam kiến nghị giảm lãi suất cho vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, cho các doanh nghiệp thuỷ sản được giãn nợ 3 - 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I và quý II năm nay.

Doanh nghiệp gỗ cần vốn để tìm kiếm đơn hàng mới

Trong khi các doanh nghiệp thuỷ sản mong muốn tiếp cận được dòng vốn vay có lãi suất từ 5 - 7%, giãn hoãn các khoản tín dụng phải trả trong quý I và quý II năm nay, để duy trì các đơn hàng và việc làm cho người lao động thì các doanh nghiệp lâm sản lại thiết tha được vay vốn ưu đãi để xúc tiến mở rộng tìm kiếm thị trường.

Tháng 5 là thời gian cao điểm để các doanh nghiệp ngành gỗ đi tìm khách hàng, chuẩn bị cho mùa làm ăn cuối năm. Chi phí cho mỗi chuyến chào bán sản phẩm, tham gia hội chợ quốc tế lên tới hàng chục nghìn USD.

"Một hội chợ triển lãm đồ gỗ ở nước ngoài, đừng nói chuyện mang mấy chục triệu đi. Nguyên 1 container đồ gỗ trưng bày, thuê gian hàng hội chợ, tất cả chi phí ấy không có Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay rất khó. Không doanh nghiệp nào có thể tự mình làm chuyện đó", ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất thương mại Sài Gòn cho biết.

Vốn tín dụng khơi thông không chỉ giúp doanh nghiệp tập trung vào giải pháp xúc tiến thương mại mà còn là điều kiện cần để doanh nghiệp tự tin nhận các đơn hàng giá trị cao trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh nói: "Lãi suất cao không ai dám nhận đơn hàng lớn vì phải đi vay nhiều. Cái này có tác động liên hoàn. Với doanh nghiệp được vay, được đáo hạn sẽ có dòng vốn để duy trì đơn hàng".

Thúc đẩy tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến lâm, thuỷ sản - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp lâm sản lại thiết tha được vay vốn ưu đãi để xúc tiến mở rộng tìm kiếm thị trường. Ảnh minh họa.

Theo các doanh nghiệp, Hiệp hội trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, đơn hàng xuất khẩu của tháng 5 đã có tín hiệu khả quan khi các khách hàng từ thị trường chủ lực tăng đặt hàng khoảng 5%. Các doanh nghiệp vẫn đang tích cực tìm kiếm khách hàng.

Tuy nhiên về lâu dài, doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để chuẩn bị nguyên vật liệu, ổn định sản xuất, trả lương người lao động, chờ đợi cơ hội phục hồi vào nửa cuối năm.

Ngoài việc đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho 2 ngành xuất khẩu chủ lực, chiếm tới 53% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các giải pháp miễn, giảm, giãn, hoãn, thuế phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng trong năm nay.

Những trợ lực kịp thời từ Chính phủ sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành các mục tiêu xuất khẩu lâm sản là 17 tỷ USD và thuỷ sản 10 tỷ USD trong năm nay.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản

VTV.vn - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng sau khi chủ trì hội nghị với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào ngày 13/4 vừa qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước