Thúc đẩy cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

VTV Digital-Thứ tư, ngày 18/05/2022 06:19 GMT+7

VTV.vn - Mục tiêu cổ phần hoá doanh nghiệp đặt ra cho năm ngoái phải thu 40.000 tỷ đồng nhưng hết năm, con số thực tế chỉ đạt chưa tới 2000 tỷ đồng.

Tốc độ cổ phần hoá không chỉ chậm mà còn vướng mắc nhiều sai phạm, đòi nhiều tháo gỡ về cơ chế chính sách. Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức ngày 17/5.

Một trong những vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là định giá doanh nghiệp bởi 5 phương pháp định giá hiện nay đều có bất cập riêng và đều cho ra các kết quả khác nhau.

Ông Lê Thanh Tuấn, Trưởng ban Đầu tư 4, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nói: "SCIC kiến nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn liên quan đến xác định giá trị thương hiệu, đất hàng năm, quyền mua".

Tuy nhiên, quá trình kiểm toán cũng ghi nhận nhiều sai phạm từ phía doanh nghiệp. Số liệu của KTNN cho thấy giá trị doanh nghiệp sau khi được xác định lại bình quân cao hơn tới 2,8 lần, gây rủi ro thất thoát nguồn vốn Nhà nước sau cổ phần hoá hay thoái vốn.

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, chia sẻ: "Chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá trị không chính xác, rất lớn. Doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá phải cạnh tranh. Nhưng vì chạy theo lợi nhuận địa tô đất đai thì đóng cửa sản xuất, sang làm đô thị".

Nhiều giải pháp được đưa ra thảo luận tại hội thảo, bao gồm việc không tính giá trị đất đai vào phương án cổ phần hoá, và quy định doanh nghiệp không được chuyển mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hoá. Các ý kiến sẽ được Bộ Tài chính ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước