Thủ tướng: Tháo gỡ cho doanh nghiệp là tháo gỡ cho nền kinh tế

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 21/09/2024 22:06 GMT+7

VTV.vn - Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp

Tại Hội nghị, lãnh đạo 12 doanh nghiệp tư nhân lớn cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân - "một động lực quan trọng của nền kinh tế". Đến nay, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động. Các doanh nghiệp cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển của đất nước.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup cho biết: "Đề nghị Chính phủ cho các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để họ có đủ điều kiện ban đầu để tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Bây giờ, bước đầu cũng có những doanh nghiệp đang đẩy mạnh được câu chuyện sản xuất công nghiệp như Trường Hải, Vinfast… Hiện nay, Vinfast chúng tôi tỷ lệ nội địa hóa đang trên 50%, phấn đấu hết năm 2026 sẽ phải đạt tối thiểu 80%".

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn SOVICO chia sẻ: "Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc chúng ta sẽ chuyển Việt Nam thành trung tâm lắp ráp và sản xuất máy bay. Bởi vì cũng là vấn đề công nghiệp phụ trợ, vẫn là vấn đề cơ chế, chính sách. Ở đây, chúng tôi không xin hỗ trợ bằng tiền, mà hãy bằng cơ chế, bằng những sự động viên như ngày hôm nay doanh nghiệp của chúng tôi được cảm nhận thấy từ Chính phủ, từ Thủ tướng và các Bộ ngành".

Ông Đỗ Quang Hiển - Nhà sáng lập Tập đoàn T&T nêu ý kiến: "Qua đây cũng kiến nghị Thủ tướng những dự án công nghệ cao đòi hỏi về công nghệ, về quản trị, về tài chính lớn rồi vận hành thì nên cho tư nhân tham gia để linh hoạt và tập đoàn nước ngoài miễn làm sao tuân thủ quy định đảm bảo an ninh quốc phòng và chuyển giao công nghệ, cam kết trong vòng 10 năm".

Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà sáng lập Tập đoàn TH cho biết: "Chủ đề năm nay Thủ tướng đưa ra là làm thế nào có biến đổi thực sự, tận dụng tất cả thành tựu khoa học của thế giới, để thay đổi cơ bản về phương thức sản xuất. Như TH ứng dụng công nghệ cao và khoa học quản trị thì tạo ra phương thức sản xuất từ manh mún ra đại công nghiệp. Chi phí giá thành thấp mà năng suất lao động cao, chất lượng tốt".

Thủ tướng: Tháo gỡ cho doanh nghiệp là tháo gỡ cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng khẳng định: "Chúng tôi rất tin tưởng, tự hào vào sự trưởng thành lớn mạnh, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tham dự hội nghị"

Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ và chung tay cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua trước nhiều yếu tố chưa có tiền lệ, như đại dịch COVID-19, chiến tranh, cạnh tranh chiến lược, đứt gãy các chuỗi cung ứng; cảm ơn các doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương nếu được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp thì trực tiếp lắng nghe và giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng, tinh thần là vướng ở đâu phải tháo gỡ ở đó không đùn đẩy, không né tránh.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Thủ tướng: Tháo gỡ cho doanh nghiệp là tháo gỡ cho nền kinh tế - Ảnh 2.

Thủ tướng: Tháo gỡ cho doanh nghiệp là tháo gỡ cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển

Với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị phát huy 6 tiên phong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Tiên phong thứ nhất là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới. Tiên phong thứ hai là tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia. Tiên phong thứ ba là tiên phong trong tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, làm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ tư là tiên phong trong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng văn hóa, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạ tầng giao thông về đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng. Tiên phong thứ năm là tiên phong trong góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và quản trị thông minh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiên phong thứ sáu là tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đóng góp hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ cụ thể, trên cơ sở đó, các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ và đặt hàng các doanh nghiệp. Về kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng giao các Bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu và phải giải quyết với các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, còn rủi ro thì cùng chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước