Những mô hình hợp tác công tư tại Quảng Ninh đang mang lại hiệu quả rõ nét. Cứ 1 đồng Nhà nước bỏ ra thì thu hút được 8 đến 9 đồng vốn ngoài ngân sách.
Ở miền núi, có nước sạch không khác nước máy thành phố là bao. Nếu như trước kia, việc lấy nước để dùng trong gia đình là việc nặng nhọc thì nay, người dân ở xã miền núi Vũ Oai, Hoành Bồ, Quảng Ninh đã được dùng nguồn nước từ công trình nước hợp vệ sinh được đầu tư bởi ngân sách của nhà nước nhưng được giao cho công ty tư nhân quản lý vận hành tiện lợi.
Đi cả nửa ngày mới tới nơi, các công trình nước sạch vốn được đầu tư ở miền núi tốn kém công sức và tiền bạc nhưng lại thường bỏ hỏng chỉ sau một thời gian ngắn vận hành khá phổ biến ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là do quản lý của cấp xã yếu kém.
Thế nhưng, với Hoành Bồ, từ khi áp dụng mô hình đầu tư công - quản trị tư, hệ thống cấp nước này được vận hành duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Tránh lãng phí, đạt được tối đa hiệu quả sau đầu tư nên tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng mô hình này ở 20 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Đồng vốn nhà nước bỏ ra được tư nhân quản lý chuyên nghiệp hơn, chất lượng tốt hơn, gia tăng hiệu quả hơn và quan trọng nhất là người dân được thụ hưởng từ những công trình dùng vốn ngân sách này.
Với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và nhà nước sẽ không làm những gì tư nhân có thể làm tốt hơn nên đến nay, mô hình này đã gắn kết được trách nhiệm và quyền lợi giữa nhà nước, nhà đầu tư tư nhân và cộng đồng để đảm bảo lợi ích của các bên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!