Các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào Việt Nam với trên 6,1 tỷ USD vốn đăng ký. Nhưng đáng chú ý hơn là vốn FDI thực hiện đạt trên 4,6 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua.
Những con số cho thấy chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện. Cùng với đó là năng lực của doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng giúp các tập đoàn, doanh nghiệp yên tâm bỏ từng đồng vốn vào triển khai dự án tại Việt Nam.
Hơn 800 triệu USD là tổng vốn đầu xây dựng nhà máy xe điện, xe hybrid, với sản lượng 200 nghìn xe/năm. Việc liên doanh giữa thương hiệu xe năng lượng mới với một doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đúng định hướng phát triển xanh của Việt Nam.
Ông Trương Quý Binh - Tổng Giám đốc Công ty Chery International nhận định: "Chúng tôi kỳ vọng vào liên doanh lần này với doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để sản xuất các mẫu ô tô điện, hybrid trong tương lai. Lợi thế của Việt Nam là tiềm lực về sản xuất công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng giao thông, đường cao tốc, cảng biển, logistic rất lớn".
Mặt bằng đất đã sẵn sàng để xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời thứ 3 trị giá 454 triệu USD của doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chỉ trong vòng 3 ngày doanh nghiệp đã hoàn thành tất cả các thủ tục để thực hiện giải ngân khoản đầu tư này.
"1 tổ chuyên trách của địa phương hỗ trợ công tác giải quyết thủ tục hành chính, mặt bằng. Ưu tiên lúc này là cần sớm đưa nhà máy vào vận hành trong bối cảnh quý I năm nay đã vượt sản lượng dự kiến, không có tồn kho. Các đơn đặt hàng quý 2, quý 3 đều đã kín", ông Trương Yến Phi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Trina Solar cho biết.
Tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt trên 90%. Có thể nói có mặt bằng, đất đến đâu là dự án có đến đó. 1 nhà đầu tư nước ngoài vào địa phương sẽ kéo theo các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đặt ở nhiều khu công nghiệp. Như vậy bài toán đặt ra với địa phương là không chỉ sẵn sàng hạ tầng khu, cụm công nghiệp mà còn là hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ.
Trong những tháng đầu năm những địa phương thu hút và giải ngân vốn FDI hàng đầu đều là trung tâm công nghiệp lớn có hạ tầng thuận lợi. Trong đó, Thái Nguyên, 3 năm qua đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ nội tỉnh và kết nối liên vùng nằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Ông Hà Văn Dương - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Một là tuyến đường kết nối giữa tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc với số vốn trên 4.200 tỷ đồng, và đường vành đai 5 nối Thái Nguyên với Bắc Giang với số vốn trên 700 tỷ đồng sẽ tạo ra dư địa, quỹ đất công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư vào trên địa bàn".
Để những đồng vốn đầu tư nước ngoài từ cam kết trở thành hiện thực rất cần nỗ lực từ các cấp ngành, địa phương tập trung hoàn thiện hạ tầng đi cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính. Quan trọng hơn nữa là sự đồng hành của chính quyền với các doanh nghiệp trong cả quá trình đầu tư.
Theo các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài và các định chế tài chính, một trong những yếu tố tạo thêm sức hút dòng đầu tư nước ngoài đó là sự đồng bộ về hạ tầng giúp giảm thiểu chi phí hậu cần, logistics. Điều này cũng đã phản ánh hiệu quả công tác giải ngân đầu tư công thời gian qua, trong đó tập trung vào các công trình giao thông trọng điểm, tăng tính kết nối liên vùng và trên cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!