Thống đốc: Ngân hàng Nhà nước mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng để tránh trục lợi

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 11/11/2024 11:00 GMT+7

VTV.vn - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp nhiều bộ, ngành để cùng quản lý thị trường vàng.

Sáng nay (11/11), chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, thời gian vừa qua, có ý kiến cho rằng, do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao.

"Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn đối với vấn đề này trong thời gian tới", đại biểu Hương nói.

Trả lời đại biểu đoàn An Giang, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành có cơ quan chủ trì thống nhất quản lý, và có các bộ ngành khác tích cực tham gia. Các nhiệm vụ này đã được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ ngành không trùng lắp nhau về trách nhiệm, thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thị trường vàng, các Bộ, các ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an.

"Trước khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức can thiệp vàng, Ngân hàng đã họp, mời đại diện của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai để tránh các hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình can thiệp", Thống đốc cho biết.

Thống đốc: Ngân hàng Nhà nước mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng để tránh trục lợi - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ đề xuất lập sàn giao dịch vàng ở thời điểm phù hợp

Cũng về vấn đề vàng, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay thế giới có nhiều nước thị trường phát triển cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu hỏi, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải. Nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.

Theo bà Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

An toàn hệ thống tín dụng cần đặt lên trên hết

Liên quan đến vấn đề tín dụng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 21%.

"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham mưu cho Chính phủ giải pháp thiết thực gì về tín dụng, vốn để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đáp ứng mục tiêu phát triển", bà Nga đặt vấn đề với Thống đốc.

Trả lời đại biểu Nga, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói Việt Nam có đặc thù nhu cầu đầu tư cho sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn, tín dụng của ngân hàng. Chỉ số dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay đã hơn 120%, nên Ngân hàng Nhà nước phải hết sức cân nhắc khi điều hành về tín dụng. Để giải quyết vốn, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ tăng cường vốn cho doanh nghiệp và người dân.

"Để doanh nghiệp và người dân có khả năng trả nợ, họ phải có dự án kinh doanh, phương án khả thi, đòi hỏi hỗ trợ, giải pháp từ nhiều bộ ngành liên quan như giải pháp về thị trường, tư vấn pháp lý và giải pháp về sản phẩm, bảo lãnh", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết bà khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện giải pháp hỗ trợ tín dụng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát.

Thống đốc: Ngân hàng Nhà nước mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng để tránh trục lợi - Ảnh 2.

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) chất vấn Thống đốc về giải pháp để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản

Cũng về vấn đề tín dụng, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xử lý như nào tình trạng chạy xô tăng trưởng của một số tổ chức tín dụng? Đồng thời cho biết có giải pháp như nào để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản?

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là làm sao vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vừa phải đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. "An toàn của hệ thống ngân hàng cần đặt lên trên hết và trước hết, bởi nếu hệ thống tín dụng tiềm ẩn rủi ro sẽ có hệ lụy rất lớn với nền kinh tế", bà Hồng nói.

Vì vậy, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước sử dụng công vụ là hạn mức tín dụng, thực hiện từ năm 2011 đến nay. Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng hạn mức tín dụng, dựa trên xếp hạng các ngân hàng và khả năng mở rộng của họ. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên cảnh báo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro.

Về tín dụng bất động sản, Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản. Các ngân hàng không cho vay dựa trên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản, mà còn cần căn cứ khả năng huy động nguồn vốn ngắn hạn hay dài hạn. Ngân hàng Nhà nước quy định các nhà băng không được cho vay quá 30% vốn ngắn hạn với các khoản vay trung và dài hạn.

Thống đốc: Ngân hàng Nhà nước mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng để tránh trục lợi - Ảnh 3.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời phiên chất vấn trước Quốc hội vào sáng nay (11/11)

Lãi suất tiếp tục giảm?

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết Việt Nam có nên tiếp tục điều chỉnh lãi suất hay có các chính sách can thiệp khác để hạn chế tác động của lạm phát nhập khẩu không? Ngân hàng Nhà nước có nên thay đổi chính sách dự trữ ngoại hối để đối phó với biến động tỷ giá khi tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay?

Trả lời đại biểu Sơn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, việc tiếp tục giảm lãi suất hay không hoàng toàn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới, trong nước, đặc biệt là diễn biến về thanh khoản, tình trạng của hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước; Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi để điều hành.

Còn về dự trữ ngoại hối nhà nước, Thống đốc cho biết, nguyên tắc quản lý là đảm bảo an toàn và đảm bảo thanh khoản và sinh lời. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện theo hướng an toàn thanh khoản là chủ yếu; và sẽ tính toán phương án sinh lời ngoại hối theo hướng tốt nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước