Thỏa thuận Biển Đen hết hạn đe dọa nguồn cung lương thực

VTV Digital-Thứ ba, ngày 18/07/2023 09:41 GMT+7

VTV.vn - Ngày 17/7, sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để đưa ngũ cốc của Ukraine ra thị trường đã hết hạn sau khi Nga không đồng ý gia hạn thỏa thuận.

Kể từ khi được ký kết hồi năm ngoái, sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã giúp Ukraine xuất khẩu gần 33 triệu tấn ngô, lúa mỳ và các ngũ cốc khác ra thị trường thế giới, qua đó giúp ổn định thị trường lương thực.

Tuy nhiên, giờ đây, với việc thỏa thuận không được gia hạn, hoạt động vận chuyển hàng hóa của Ukraine qua các cảng ở Biển Đen có thể sẽ bị đình trệ, buộc nước này phải sử dụng các tuyến đường khác an toàn hơn nhưng cũng tốn kém và mất nhiều thời gian hơn. Dự kiến, chi phí vận tải nông sản bằng đường bộ của Ukraine sẽ rơi vào khoảng 100 USD/tấn, hơn gấp đôi vận tải đường biển, trong khi khả năng vận chuyển lại hạn chế hơn.

Ông Carlos Mera - Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng nông sản, Ngân hàng Rabobank cho biết: "Ukraine có thể sử dụng các tuyến đường bộ đi qua lãnh thổ Liên minh châu Âu, hoặc các cảng trên sông Danube. Đó là những tuyến đường rất an toàn nhưng cũng rất dài. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển, khiến người nông dân Ukraine không thể có lãi và ảnh hưởng đến khả năng duy trì sản xuất trong những năm tới".

Thỏa thuận Biển Đen hết hạn đe dọa nguồn cung lương thực - Ảnh 1.

Nông dân Ukraine thu hoạch ngũ cốc tại Odesa. Ảnh: EPA-EFE

Sự đình trệ trong vận chuyển hàng nông sản sẽ tác động lớn đến nhiều quốc gia. Châu Á - điểm đến của khoảng 1/4 lượng ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine, sẽ chịu nhiều áp lực trong khi các quốc gia nghèo tại châu Phi hay Trung Đông cũng phải đối mặt với chi phí nhập khẩu lương thực tăng cao.

"Nhờ thỏa thuận Biển Đen, 600.000 tấn lương thực đã được mua và chuyển đến các quốc gia đang rất cần như Afghanistan, Yemen, Ethiopia, Somali, Kenya, Sudan. Việc thỏa thuận không được gia hạn có nghĩa là lượng ngũ cốc với giá cả hợp lý có mặt trên thị trường sẽ giảm đi đáng kể", ông Shashwat Saraf - Giám đốc tình trạng khẩn cấp khu vực Ðông Phi, Ủy ban Cứu trợ Quốc tế thông tin.

Những lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá lúa mỳ tại sàn giao dịch Chicago có lúc bật tăng tới 3,5% trong phiên giao dịch đầu tuần. Thị trường hiện đang hy vọng các bên liên quan có thể sớm tìm ra một giải pháp để nối lại thỏa thuận.

Moskva cho biết, vẫn sẵn sàng tham gia vào sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, nếu các rào cản đối với hoạt động xuất khẩu lương thực, phân bón của Nga thực sự được dỡ bỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước