Theo số liệu mới được công bố, sản xuất của Mỹ đã tăng trưởng mức chậm nhất trong vòng 2 năm qua. Bên cạnh các yếu tố như tỷ giá hay giá dầu, ngành sản xuất của Mỹ hiện vẫn đang phải đối mặt với một khó khăn nội tại, đó là thiếu lao động có tay nghề.
Mỗi ngày tại nhà máy đúc tiền Denver, số tiền xu giá trị 2 triệu USD được sản xuất tại nhà máy đúc tiền này bởi 400 công nhân với kỹ năng chuyên biệt. Tuy nhiên, rất nhiều lao động trong số này sắp đến tuổi về hưu nhưng nhiều khả năng sẽ khó có đủ người thay thế họ.
Chị Anne Green, Giám đốc Nhân sự nhà máy đúc tiền Denver nói: “Chúng tôi đang tuyển nhân viên và nhận rất nhiều đơn đăng ký nhưng hầu như không một ai có đủ kỹ năng cho công việc này cả”.
Dự báo đến năm 2025, 2 triệu việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ sẽ bị để trống do không tìm được lao động phù hợp. Trong khi đó, hàng triệu người trẻ vẫn không thể tìm được việc làm do không đủ kỹ năng.
Trước yêu cầu của các doanh nghiệp, các trường đào tạo nghề ở Mỹ đang chạy đua cung cấp các khoá học như hàn hay vận hành máy.
Đại diện trường dạy nghề Denver cho biết: “Nhiều doanh nghiệp tới đây hỏi khi nào chúng tôi đào tạo thêm học sinh hay thúc giúc chúng tôi phải đẩy nhanh quá trình đào tạo”.
Chị Jaime Heifner, học viên trường dạy nghề Denver, nói: “Tôi từng là một bà mẹ một con ở nhà nhưng nếu bây giờ chịu khó đầu tư học nghề, tôi tin là mình sẽ có tài chính vững vàng để nuôi dạy các con”.
Người Mỹ từng không mấy mặn mà với các công việc ngành sản xuất do làm việc vất vả và tiếp xúc nhiều với máy móc, dầu mỡ. Tuy nhiên, quan niệm đó đang dần thay đổi, lao động chân tay đang là một nghề mang tới nhiều cơ hội với người lao động, chỉ cần họ có đủ các kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.