Thiếu hụt lao động sau dịch - Thách thức và cơ hội

Duy Tuấn-Thứ ba, ngày 12/04/2022 18:13 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy tuy nan giải những cũng là cơ hội để thị trường lao động có một bước phát triển mới.

Từ thời điểm sau Tết tới nay, mặc dù phần lớn doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên tình trạng thiếu hụt nhân công lao động ở các nhà máy, doanh nghiệp vẫn rất trầm trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp Hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA), sau gần hai tháng đầu năm 2022, hầu như 100% doanh nghiệp tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã trở lại hoạt động với đơn hàng ngày càng nhiều và đang thiếu hụt lao động.

Cũng theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (FALMI), dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần cần khoảng 44.800 - 55.600 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành như: Dệt may - giày da; sản xuất, chế biến thực thẩm; cơ khí; hóa chất - dược - cao su; kiến trúc; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; dịch vụ bảo vệ…

Tại TP Hồ Chí Minh, số công nhân trở lại trong các nhà máy chiếm tỷ lệ khá cao, trên dưới 85%, nhưng cũng có nhà máy chỉ được 70%. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX, KCN) TPHCM (Hepza), cho biết còn thiếu khoảng 5.700 người cho quý II. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, trong quý IV-2021, thành phố cần 43.000 - 57.000 lao động.

Thiếu hụt lao động sau dịch - Thách thức và cơ hội - Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn “Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”.

Tại Hà Nội, tình hình thiếu hụt nhân công còn nghiêm trọng hơn. Tại phiên giao dịch việc làm kết nối 7 tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn ngày 24/2, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo trong quý 1-2022, nhu cầu tuyển dụng tại Hà Nội khoảng 80.000 - 100.000 chỉ tiêu tập trung một số nhóm, lĩnh vực ngành nghề như kinh doanh thương mại, bán buôn bán lẻ, cơ khí, sửa chữa ô tô, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, dịch vụ ăn uống…

Nhiều doanh nghiệp miền Bắc khủng hoảng lao động do công nhân mắc COVID-19 tăng cao và phải vất vả tìm kiếm giải pháp. Thậm chí, có công ty sẵn sàng thưởng thêm 1,5 triệu đồng cho công nhân viên giới thiệu được người mới.

Thiếu hụt lao động sau dịch - Thách thức và cơ hội - Ảnh 2.

Tình trạng thiếu hụt lao động sau dịch bệnh là rất nghiêm trọng (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tình trạng trên cũng là cơ hội để các thành phố lớn hoạch định lại. Ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, cho rằng, khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn để thị trường lao động phát triển. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lao động giữa các vùng, các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh. Đó là cơ hội phát triển các hình thức giao dịch việc làm, cơ hội đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Thiếu hụt lao động sau dịch - Thách thức và cơ hội - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh trao đổi về chương trình phục hồi thị trường lao động (Ảnh: Báo CP)

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho rằng, trong bối cảnh thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển lao động với 4 giải pháp chính là: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hoặc vùng kinh tế trọng điểm; Nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; Chuyển đổi số và dạy học trực tiếp trong giáo dục nghề nghiệp; Đầu tư vào các trường chất lượng cao. Cần hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung – cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ. Trong số này, nhiệm vụ kết nối cung – cầu lao động sẽ được thực hiện thông qua việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên; tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong vùng hoặc toàn quốc. Đây cũng chính là một số điểm trọng yếu trong Quyết định 1405 về Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển lao động do Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước