Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động

VTV Digital-Thứ ba, ngày 31/01/2023 13:15 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng thiếu đơn hàng làm nhiều ngành nghề phải cắt giảm lao động. Lúc này, những giải pháp hỗ trợ người lao động tại địa phương, doanh nghiệp đang phát huy vai trò.

Do tình trạng thiếu đơn hàng, một số ngành sử dụng nhiều lao động như chế biến gỗ, dệt may, da giày…đã phải cắt giảm lao động. Theo Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, tình hình thiếu đơn hàng có thể sẽ kéo dài đến giữa năm 2023, nghĩa là tới quý 2 năm nay.

Để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, nhiều giải pháp từ phía doanh nghiệp (DN) và chính quyền địa phương đã được đưa ra. Trong đó, việc nhanh chóng tìm việc làm mới để các lao động có thu nhập đang là mục tiêu được chú trọng.

Tăng cường tuyển dụng kết hợp chăm lo đời sống người lao động

Hỗ trợ tìm việc làm, tăng tiền thưởng Tết... là những nỗ lực của doanh nghiệp, các cấp chính quyền để hỗ trợ, giữ chân người lao động. Như tại TP. Hồ Chí Minh, ngay khi các doanh nghiệp có báo cáo phải giảm lao động do thiếu đơn hàng, ngành chức năng đã lập tức giới thiệu việc cho người lao động.

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 2.

Để nhanh chóng có đủ hơn 1.000 lao động làm việc dài hạn tại các chuỗi công nghệ thông tin và hệ thống siêu thị, Tập đoàn Thế giới di động cũng tìm đến các Trung tâm giới thiệu việc làm để liên kết với người lao động.

Ông Trần Nhật Quân, Trưởng Bộ phận tuyển dụng Tập đoàn Thế giới di động chia sẻ: "Với lợi thế chúng tôi có nhiều ngành nghề khác nhau, chúng tôi trao đổi với họ phù hợp với công việc nào để phát huy thế mạnh".

Trung tâm Dịch vụ - Việc làm TP. Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 13.000 - 14.000 vị trí việc làm chờ người lao động sau kỳ nghỉ Tết.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Việc làm TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Mong muốn của người lao động là trở về địa phương đón Tết cổ truyền xong quay lại các doanh nghiệp được tư vấn việc làm để nhận việc. Doanh nghiệp cam kết là nếu người lao động ở khu vực nào đông thì cũng bố trí xe để đón người lao động lên nhận việc sau Tết".

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Việc làm TP. Hồ Chí Minh

Ngay khi bắt đầu vào năm mới này, các phiên giao dịch việc làm sẽ đồng loạt tổ chức để kết nối người lao động với DN có nhu cầu tuyển dụng. Nhân sự ở các Trung tâm Dịch vụ - Việc làm sẽ có mặt tại bến tàu, bến xe để hỗ trợ người lao động lên nhận việc mới.

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 4.

Việc cắt giảm các đơn hàng đã ảnh hưởng rất lớn tới người lao động. Việc hàng trăm ngàn lao động bị giảm giờ làm, thậm chí mất việc đã gây nhiều ảnh hưởng đến an sinh của chính người lao động. Đến hết tháng 1 này, trên 500 doanh nghiệp đã bị cắt giảm đơn hàng. Trong đó tập trung ở các ngành nghề như: 25-30% ở ngành da giày; 20-30% ở ngành dệt may; 50% ở ngành công nghiệp; 70% ở ngành chế biến gỗ ... Những con số ấy tương ứng với khoảng 640.000 lao động bị ảnh hưởng, chủ yếu là bị giảm giờ làm từ 8 tiếng/ngày xuống còn hơn 7 tiếng và đương nhiên là giảm giờ làm thêm.

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 5.

Doanh nghiệp với giải pháp giữ chân lao động

Thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động, nhưng khi có đơn hàng trở lại, các DN sẽ phải xoay sở tìm lao động. Nhiều doanh nghiệp đã thấm bài học này khi cứ sau mỗi dịp Tết, nhiều lao động lại có xu hướng chuyển việc, nhảy việc. Thực trạng này đã khiến các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo và thời gian để vận hành lại bộ máy… Tất cả gây ảnh hưởng trực tiếp đến khâu sản xuất của doanh nghiệp. Chính vì vậy, mặc dù khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì việc làm để giữ chân lao động.

Công ty Phương Nam Panel đang có hơn 350 lao động. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất hơn 3,5 triệu mét panel cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu các nước trên thế giới, nên phải đầu tư máy móc hiện đại, công nghệ cao. Trước Tết, đơn hàng của doanh nghiệp bị sụt giảm tới 15%. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn không cắt giảm lao động, mà chỉ giảm bớt ca và chia việc đều cho các công nhân có việc để làm.

Ông Phạm Thế Tân - Giám đốc Nhà máy, Công ty Phương Nam Panel chia sẻ: "Cắt giảm nghe thì dễ nhưng mà tuyển để vào đúng vị trí là một điều rất khó khăn của công ty Phương Nam, bởi vì chúng tôi phải đào tạo cho nhân viên rất lâu".

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 7.

Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex là doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất, cũng đang có hơn 1.100 lao động. Các sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu cung ứng cho Mỹ và các nước châu Âu. Đang lúc tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đơn hàng của các đối tác ở các thị trường truyền thống này bỗng nhiên sụt giảm từ 30-50%. Song, không vì thế mà doanh nghiệp sa thải lao động.

Ông Lim Hong Jin - TGĐ Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex cho biết: "Hiện tại chúng tôi vẫn duy trì số lao động như cũ, nhưng giảm bớt giờ làm. Đồng thời chúng tôi đang tìm kiếm thêm khách hàng mới để bù vào doanh thu bị sụt giảm, cũng như tăng cường bán lẻ nội thất cho thị trường trong nước để duy trì việc làm cho người lao động".

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 8.

Theo chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Song, trong ngắn hạn các doanh nghiệp vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để giữ chân lao động, không chỉ tạo điều kiện cho người lao động duy trì công ăn việc làm, mà còn tạo cho người lao động có niềm tin về triển vọng nghề nghiệp, cũng như niềm tin kinh tế sẽ sớm phục hồi trở lại. Còn ở góc độ doanh nghiệp thì họ cũng đánh giá được những lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia Kinh tế, Giảng viên Đại học Fullbright Việt Nam cho biết: "Trước mắt họ chấp nhận mở ra một khoản chi phí nào đó để tiếp tục duy trì công ăn việc làm cho người lao động nhưng khi nền kinh tế phục hồi khi các đơn hàng phục hồi trở lại thì họ lại không bị mất đi chi phí tìm kiếm và tuyển dụng lao động, thậm chí là phải đào tạo lao động mới để đáp ứng các nhu cầu về mặt kỹ năng có tính chuyên môn hóa cao".

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 9.
Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 10.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, lúc này Chính phủ và chính quyền địa phương cần phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chi phí tăng thêm: như hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp khi người lao động đang đứng trước ngưỡng cửa mất việc, giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất…để doanh nghiệp hỗ trợ chéo cho người lao động, vừa giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng chống chịu khó khăn vừa giải quyết sinh kế, thu nhập tạm thời cho người lao động.

Bình Dương: Người lao động được an cư lạc nghiệp

Ngay những ngày đầu năm 2023, thị trường lao động Việt Nam đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, so với cùng kỳ năm 2019, đời sống của người lao động hiện nay đã được đảm bảo hơn. Thu nhập bình quân tăng 14,5%. Bình quân thưởng Tết Nguyên đán năm nay cũng tăng 11% so với năm trước. Dù phải đối diện với nhiều thách thức, tuy nhiên quý 1 năm nay, nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng: khoảng 350.000 - 400.000 lao động.

Bình Dương là một trong những địa phương đang dẫn đầu cả nước về triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Những căn nhà ở xã hội tại Bình Dương đã trở thành tổ ấm của hàng trăm ngàn người lao động xa quê, có thu nhập thấp. Mô hình này đã giúp chính quyền địa phương không chỉ thu hút mà còn giữ chân được người lao động, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với Bình Dương.

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 12.

Bình Dương có 29 khu công nghiệp và mỗi khu đều dành ra một quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Từ năm 2022 đến nay, đã có 5 dự án nhà ở xã hội được khởi công xây dựng, nâng tổng số nhà ở xã hội sẽ cung cấp cho công nhân người lao động thu nhập thấp ở đô thị, khu công nghiệp khoảng 20.000 căn. Trong quá trình xây dựng nhà ở xã hội, Bình Dương đã linh hoạt vận dụng các cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực địa phương , khuyến khích Doanh nghiệp tham gia cùng nhà nước.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: "Với mục tiêu công nghiệp hóa, đô thị hóa phải đi đôi với ổn định an sinh xã hội, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thân cho người lao động, lãnh đạo Bình Dương đã chỉ đạo nhiều dự án đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, thực hiện chính sách xã hội hóa nhà ở để bán và cho thuê đối với người có thu nhập thấp , thực hiện tốt các ưu đãi của nhà nước về thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp".

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp và chính quyền tìm giải pháp giữ chân người lao động - Ảnh 13.

Nhờ an cư lạc nghiệp, người lao động ra sức đóng góp cho sự phát triển của địa phương này, bởi đã xem Bình Dương là quê hương thứ 2 của họ - một quê hương với đầy đủ ý nghĩa: đùm bọc và yêu thương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước