Kỳ 9: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" hội tụ đưa kinh tế biển Bà Rịa - Vũng Tàu lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu

Trần Hùng-Thứ sáu, ngày 25/03/2022 14:28 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia kinh tế nhận định, Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng đất tuyệt vời để thu hút đầu tư, còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Biển, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng là thế mạnh được ví như chiếc "chìa khóa vàng" đưa Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển nhanh, bền vững, trở thành nền kinh tế luôn đứng vào top đầu của cả nước. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển, cũng như tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế sẵn có để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, góp phần đưa kinh tế biển của tỉnh lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Điểm đến an toàn và hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Trong 2 năm qua, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát thì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại nằm trong vùng tâm điểm của làn sóng dịch lần thứ 4. Địa phương đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh phù hợp tình hình, hoàn cảnh, chủ động từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2021.

Cụ thể, hiện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã vươn lên nằm trong nhóm 10 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Đáng chú ý, "xứ Mô Xoài"(*) là một trong ít các tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách địa phương từ năm 1996 đến nay và từ năm 2022 tỉ trọng đóng góp cho ngân sách Trung ương của tỉnh tăng từ 36% lên 44%.

Trong lĩnh vực phát triển du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 khu du lịch biển nổi tiếng cả nước và thế giới, mỗi năm, thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, đó là Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo. Đặc biệt, Côn Đảo với lợi thế là một hòn đảo có điều kiện sinh thái còn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ và có bề dày lịch sử cách mạng hào hùng, do đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia đặc sắc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Kỳ 9: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa hội tụ đưa kinh tế biển Bà Rịa - Vũng Tàu lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu - Ảnh 1.

Định hướng phát triển Côn Đảo thành khu du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế

"Bà Rịa - Vũng Tàu đang trên đà phát triển để trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là một trong những động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là tiếp tục xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế nhằm tăng năng lực khai thác cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và phát triển du lịch; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế" - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ thông tin.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà đầu tư chỉ có lợi, bởi đây là tỉnh có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển bền vững. "Không chỉ có cảng biển mà Bà Rịa – Vũng Tàu còn rất gần Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Đây là bàn đạp để thu hút đầu tư trong tương lai của địa phương". Vì vậy, để đi trước một bước nhằm đón đầu làn sóng đầu tư, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần điều chỉnh các khu công nghiệp xung quanh sân bay Long Thành để thu hút đầu tư công nghệ cao, chất lượng cao.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Vùng Đông Nam bộ hiện nay đảm nhận hơn 60% khối lượng hàng container và 45% tổng khối lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng trung chuyển quốc tế có tần suất cao nhất trực tiếp đi châu Âu, Bắc Mỹ và là một trong 23 cảng trên thế giới.

Đánh giá tiềm năng của khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, "Việc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần làm là điều chỉnh quy hoạch hình thành một số trục quan trọng kết nối vào mạng lưới giao thông quốc gia, vào cảng và những hạ tầng có sẵn để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao". Ông Thể cho rằng khi lựa chọn được nhà đầu tư tốt và với "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thì Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành đô thị chất lượng cao.

Kỳ 9: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa hội tụ đưa kinh tế biển Bà Rịa - Vũng Tàu lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu - Ảnh 2.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được đánh giá có tiềm năng khai thác lớn

Nói về lý do chọn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm nơi đầu tư, nhiều doanh nghiệp cho rằng ngoài những tiềm năng, lợi thế sẵn có thì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh luôn được đánh giá và xếp hạng cao. Bên cạnh đó, địa phương luôn chủ động tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đầu tư tại đây.

Tập trung phát triển Logistics

Biển, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng là thế mạnh được ví như chiếc "chìa khóa vàng" đưa "xứ mô Xoài" phát triển nhanh, bền vững, trở thành nền kinh tế luôn đứng vào top đầu của cả nước. Những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển, cũng như tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế sẵn có để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, góp phần đưa kinh tế biển của tỉnh lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng đất tuyệt vời để thu hút đầu tư, còn rất nhiều dư địa để phát triển. Hàng chục năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn được xác định là 2 tâm của khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam. Thế nhưng bây giờ đã và đang hình thành hai tâm mới là sân bay Long Thành và cảng Cái Mép. Do vậy, để hiện thực hóa tiềm năng của 2 trung tâm này cần xây dựng được hệ thống giao thông kết nối hoàn thiện.

Theo đánh giá, trên thực tế, Quốc lộ 51 là tuyến giao thông kết nối duy nhất hiện nay giữa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang quá tải. Do vậy, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai cần nhanh chóng thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép để giải quyết nhu cầu giao thông, đặc biệt là khi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

"Kết nối hạ tầng là bài toán cần giải quyết nhanh, trước mắt là kết nối đường vào cảng Cái Mép và nạo vét luồng tàu, khai thác hết công suất của cảng này để ngang tầm với các cảng lớn trên thế giới" - PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh trao đổi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, hiện địa phương đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến đường kết nối với hệ thống cảng. Để Cảng Cái Mép - Thị Vải phát triển đúng với vị trí, vai trò tiềm năng, lợi thế được xác định, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung thúc đẩy tiến độ triển khai dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là 1 trong 42 dự án trọng điểm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với tổng mức đầu tư khoảng 19.200 tỷ đồng; có quy mô diện tích khoảng 1.763ha, trong đó có 936ha đất rừng. Hiện nay, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt quy hoạch 1/2.000 và đang lập Báo cáo tiền khả thi, dự kiến sẽ trình các bộ, ngành Trung ương vào quý 1/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo thẩm quyền.

Kỳ 9: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa hội tụ đưa kinh tế biển Bà Rịa - Vũng Tàu lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu - Ảnh 3.

Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo nghiên cứu cơ chế phát triển khu thương mại tự do tại Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và hệ thống kho bãi dịch vụ hậu cần cảng để giảm chi phí và tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống cảng biển.

Mới đây, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhân dịp 30 năm thành lập tỉnh. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, rất nhiều đối tác Anh, Pháp, Nhật quan tâm đặc biệt đến trung tâm logistics, trong đó có Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy, địa phương phải phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, tập trung vào dịch vụ logistics.

"Muốn phát triển logistics thì cần phải phát triển hạ tầng kết nối, không chỉ kết nối vùng mà còn kết nối khu vực, với các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, Bà Rịa – Vũng Tàu cần phát triển theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến chế tạo. Đồng thời, phải phát triển công nghiệp giải trí như du lịch gắn với văn hóa vì đây là trụ cột quan trọng mà Bà Rịa – Vũng Tàu đang có tiềm năng" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

(*)"Xứ Mô Xoài"

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là xứ Mô Xoài xưa, vùng đất cách đây gần từ 4 thế kỷ trước (năm 1623), các bậc tiền nhân – người Ngũ Quảng vào khai phá, lập ấp, xây làng, từ đó tạo ra một vùng đất trù phú, đầy tiềm năng, giàu đẹp như hôm nay.

Quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu lắng đọng nhiều trầm tích lịch sử, mang nhiều địa danh, nhân vật lịch sử, ghi đậm dấu ấn trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước