Thị trường tiền tệ: USD lấn lướt khiến nhiều đồng tiền đối thủ suy yếu

Kate Trần-Thứ ba, ngày 07/01/2025 18:13 GMT+7

USD tăng giá gây ra những cú sốc trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Ảnh: TL

VTV.vn - Sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD đã đẩy nhiều đồng tiền chính trong giỏ tiền tệ toàn cầu rơi vào tình trạng suy yếu chưa có hồi kết.

Đà tăng của đồng USD gây ra những cú sốc trên thị trường tiền tệ toàn cầu

Ông Rob Haworth, Giám đốc chiến lược đầu tư cao cấp tại U.S. Bank Wealth Management cho biết, giá trị tương đối của các đồng tiền phản ánh diễn biến các dòng vốn trên toàn cầu. Cụ thể, khi đồng USD tăng giá, có nghĩa là có nhiều tiền từ nước ngoài chảy vào Mỹ hơn so với chiều ngược lại.

Thực tế cho thấy, khu vực đồng euro là mục tiêu cụ thể trong các mối đe dọa áp thuế của ông Trump. Đó là một trong những lý do chính khiến đồng tiền này có xu hướng suy yếu trong thời gian qua.

Ngày 7/1, đồng euro đã giảm nhẹ xuống còn 1,03795 USD, sau khi tăng lên mức cao nhất trong một tuần là 1,0437 USD vào ngày 6/1.

Cùng cảnh ngộ, đồng bảng Anh cũng yếu hơn khi giao dịch ở mức 1,125085 USD, sau khi tăng lên mức cao nhất là 1,2550 USD trong phiên trước.

Đồng USD so với yên tăng 0,3% lên mức 158,23 yên, mức cao nhất kể từ ngày 17/7/2024, được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ cao hơn. Có thể thấy, đồng USD tăng giá là một vấn đề "đau đầu" với các quan chức Nhật Bản. Đồng yen Nhật Bản tiếp tục xu hướng suy yếu, song giới chức Nhật Bản vẫn rất thận trọng trong các quyết sách của mình.

So với đồng đô la Canada, đồng tiền của Hoa Kỳ tăng nhẹ lên 1,4345 đô la Canada, sau khi trượt xuống 1,42805 đô la Canada vào ngày 6/1. Đây cũng được ghi nhận là mức tăng lần đầu tiên kể từ ngày 17/12/2024, sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố ông sẽ từ chức lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền trong những tháng tới.

Nhiều đồng tiền châu Á trên đà giảm

Đồng USD mạnh lên sẽ tác động đến các nền kinh tế thị trường mới nổi thông qua thương mại và các dòng tiền.

Các đồng tiền châu Á suy yếu do USD liên tục tăng giá sau khi các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sự thận trọng về tốc độ giảm lãi suất trong năm nay. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng đặt cược rằng, chính sách thuế quan sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây áp lực lạm phát và dẫn đến rủi ro Fed dừng hoặc đảo ngược nới lỏng tiền tệ.

Giám đốc chiến lược ngoại hối ở chi nhánh Singapore của Ngân hàng hoàng gia Canada Alvin T Tan dự báo, tỷ giá USD so với các đồng tiền ở châu Á sẽ tiếp tục tăng trên diện rộng. Ông cảnh báo, chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ dưới thời kỳ cầm quyền của ông Trump sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trên thị trường tiền tệ. Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể sẽ phản ứng với chủ nghĩa bảo hộ này bằng cách cho phép tỷ giá hối đoái mất giá theo cách có kiểm soát.

Thực tế cho thấy, các đồng tiền chính của châu Á đều trong xu hướng giảm: đồng won Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 15 năm vào tháng 12/2024; trong phiên giao dịch sáng 6/1, đồng rupee Ấn Độ chạm mức thấp kỷ lục mới với 85,82 rupee đổi 1 USD. Giá của các đồng tiền khác ở châu Á khác như đồng rupiah, ringgit và baht...tuy vẫn còn cách xa mức thấp nhất mọi thời đại được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, nhưng gần đây cũng giảm đáng kể so với đồng USD.

Các tờ báo tài chính của Trung Quốc đưa tin, trong tháng này, PBoC sẽ phát hàng lô trái phiếu nhân dân tệ lớn nhất từ trước đến nay ở Hồng Kông để ổn định tỷ giá.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục cung cấp chốt chặn cho đồng Nhân dân tệ bằng cách ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng tiền này so với USD ở mức cao nhất trong 2 tuần vào ngày 6/1. Nhân dân tệ chỉ được phép giao dịch trong biên độ tăng giảm 2% so với tỷ giá tham chiếu. Sáng 7/1, đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc đại lục giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng, 7,3289 nhân dân tệ đổi 1 USD./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước