Thị trường sữa: Bao giờ minh bạch?

Đình Hải-Thứ hai, ngày 11/03/2013 10:57 GMT+7

Thị trường sữa chỉ có thể ổn định khi những thông tin về chất lượng và giá cả luôn được kiểm soát tường minh (Ảnh minh họa)

 Để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp, một số doanh nghiệp sản xuất sữa tươi cho rằng những thông tin về nguồn gốc cần phải được cung cấp đầy đủ, cụ thể hơn để người tiêu dùng có thể lựa chọn.

Thời gian qua, những uẩn khúc xung quanh câu chuyện sữa dê Danlait hay thực phẩm bổ sung chưa kịp lắng xuống, người tiêu dùng trong nước lại vô cùng lo lắng trước việc các hãng sữa đồng loạt tăng giá từ ngày 1/3. Quy luật thị trường là thuận mua vừa bán, song khi mà người mua luôn ở thế thụ động, không được cung cấp đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm và luôn chịu sức ép tăng giá thì quyền lợi của họ có được đảm bảo?

Có một thực tế rằng, hiện nay có nhiều người tiêu dùng dù đã mua sữa cho gia đình sử dụng nhiều năm, song vẫn không phân biệt được thế nào là sữa tiệt trùng, sữa tươi hay là sữa hoàn nguyên. Khi tới các cửa hàng kinh doanh sữa, giữa vô số chủng loại và thương hiệu, người mua thường chỉ lựa chọn theo thói quen sử dụng chứ ít khi tìm hiểu các thông tin về nguồn gốc, thành phần sữa vì họ cho rằng việc đó là của các cơ quan chức năng.

Thực tế này đã được phóng viên VTV chứng minh bằng một chuyến khảo sát ngắn. Với cùng câu hỏi “Trên thị trường anh/chị/cô/chú có biết loại nào là sữa tươi hay sữa hoàn nguyên không?”, hầu hết các câu trả lời gần giống nhau như: “Không, em không quan tâm, lâu nay em mua cho con quen loại nào thì mua loại đó thôi” (anh Trần Văn Hoàn, huyện Thanh Trì, Hà Nội) hay “Tôi không biết sữa nào là sữa tươi hay sữa hoàn nguyên” (bà Phạm Thị Hải, phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội).

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người tiêu dùng không nên nhầm lẫn giữa sữa tươi và sữa tiệt trùng hay còn gọi là sữa hoàn nguyên vì thành phần dinh dưỡng và giá thành của mỗi loại này khác nhau.

“Đừng nghĩ sữa nước là sữa tươi. Ví dụ sữa tươi thường ghi là sữa tươi tiệt trùng hoặc sữa tươi 100%, còn sữa hoàn nguyên người ta ghi là sữa tiệt trùng”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết.

Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ trên sản phẩm về thành phần và nguồn gốc sữa, song đại diện một số doanh nghiệp sản xuất sữa tươi cho rằng điều đó vẫn chưa đủ. Những thông tin về nguồn gốc sữa bột được nhập khẩu từ đâu, hoặc nguồn sữa tươi được thu mua như thế nào cần phải được cung cấp đầy đủ để người tiêu dùng có thể lựa chọn.

Theo ông Ngô Minh Hải, Phó TGĐ Tập đoàn TH: “Điều quan trọng nhất là nếu làm sữa hoàn nguyên phải nói là hoàn nguyên, sữa tươi thu mua từ nông dân hay sữa tươi từ trang trại thì phải ghi rõ. Nhà nước phải quan tâm tới việc này để người tiêu dùng được quyền lựa chọn. Đó là cách để lành mạnh thị trường sữa hiện nay”.

Dù có điều kiện thiên nhiên thuận lợi song nước ta mới chỉ cung cấp được khoảng 35% - 40% nguyên liệu sữa tươi, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột của nước ngoài để chế biến thành các sản phẩm sữa tiệt trùng. Việc quy định ghi đầy đủ thông tin nguồn gốc sản phẩm sữa được coi là giải pháp đảm bảo lợi ích và trách nhiệm của nhiều phía.

“Cơ quan Nhà nước cần có sự quản lý, hướng dẫn để có một cuộc cạnh tranh sòng phẳng và lành mạnh. Người tiêu dùng cần tỉ mỉ hơn nữa khi mua xem bao bì thế nào, nếu ghi sai với thực tế có quyền kiện”, ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam nói.

Thị trường chỉ có thể ổn định khi những thông tin về chất lượng và giá cả luôn được kiểm soát tường minh, khi đó người tiêu dùng mới có thể yên tâm được quyền lựa chọn các sản phẩm và thị trường sữa cũng sẽ không là ngoại lệ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước