Thị trường nào sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế quan của ông Trump?

Kate Trần-Thứ năm, ngày 09/01/2025 20:09 GMT+7

Từ Trung Quốc đến châu Âu, từ Canada đến Mexico...đều ảnh hưởng nặng nề thuế quan của ông Trump. Ảnh: TL

VTV.vn - Thị trường thế giới đang chao đảo vì lời hứa tăng thuế quan của ông Donald Trump khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ trong vòng chưa đầy hai tuần nữa.

Ông Trump đã cam kết áp thuế lên tới 10% đối với hàng nhập khẩu toàn cầu và 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, cộng với mức thuế nhập khẩu phụ thu 25% đối với các sản phẩm của Canada và Mexico. Các chuyên gia thương mại cho rằng mức thuế này sẽ làm đảo lộn dòng chảy thương mại, làm tăng chi phí và dẫn đến các biện pháp trả đũa.

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đều chưa biết cụ thể về quy mô và phạm vi áp thuế của chính quyền ông Donald Trump, nhưng các chuyên gia đều nhận định rằng: Con đường phía trước còn nhiều chông gai.

Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến thương mại

Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cho biết, Trung Quốc có khả năng là mục tiêu chính của cuộc chiến thương mại Trump 2.0. Dự đoán được điều đó, các nhà đầu tư đã đi trước, buộc các sàn giao dịch chứng khoán và ngân hàng trung ương của nước này phải bảo vệ đồng nhân dân tệ và cổ phiếu đang lao dốc .

Có thể thấy, đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đang ở mức yếu nhất trong 16 tháng, khi đồng USD giao dịch ở mức cao hơn hẳn mốc tượng trưng 7,3 nhân dân tệ mà chính quyền Trung Quốc vẫn bảo vệ.

Còn theo dự báo của Ngân hàng Barclays (Anh), đồng nhân dân tệ sẽ ở mức 7,5 đổi 1 USD vào cuối năm 2025 và giảm xuống còn 8,4 trong kịch bản Hoa Kỳ áp thuế 60%.

Ngay cả khi không có thuế quan, đồng nhân dân tệ vẫn bị ảnh hưởng do nền kinh tế yếu khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm xuống - nới rộng khoảng cách với lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tăng cao.

Trong bối cảnh hiện tại, các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ để đồng nhân dân tệ suy yếu hơn nữa để giúp các nhà xuất khẩu quản lý tác động của thuế quan, nhưng sẽ diễn ra theo tiến độ dần dần.

Châu Âu tổn hại "kép"

Đồng euro đã trượt hơn 5% kể từ cuộc bầu cử Hoa Kỳ, mức giảm lớn nhất trong số các loại tiền tệ chính, xuống mức thấp nhất trong hai năm qua vào khoảng 1,03 USD.

Tổ chức dự báo JPMorgan và ngân hàng Hà Lan Rabobank dự đoán, đồng tiền chung có thể giảm xuống mức 1 USD trong năm nay do bất ổn về thuế quan.

Hiện Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Liên minh châu Âu, với kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều lên tới 1,7 nghìn tỷ USD.

Bên cạnh đó, thị trường dự đoán, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế ảm đạm. 

Trong khi đó, các nhà giao dịch suy đoán rằng, thuế quan có thể thúc đẩy lạm phát của Hoa Kỳ. Đồng thời dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất chỉ 40 điểm cơ bản, làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD so với đồng euro.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định, nền kinh tế Trung Quốc suy yếu cũng gây tổn hại cho châu Âu. Chuyên gia chiến lược tiền tệ của ING, Francesco Pesole cho biết, thuế quan áp lên cả Trung Quốc và EU cùng lúc có thể là "một sự kết hợp rất độc hại đối với đồng euro".

Chưa hết, nhiều nhà phân tích cho hay, trên thị trường toàn cầu, nhất là tại châu Âu, cổ phiếu ô tô đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề về thuế quan. Do vậy những động thái của ông Trump về vấn đền này sẽ tác động đến tâm lý nhạy cảm của các nhà đầu tư đối với một lĩnh vực vốn đã suy thoái khi chứng kiến ​​cổ phiếu mất một phần tư giá trị kể từ mức đỉnh vào tháng 4/2024.

Giám đốc chiến lược cổ phiếu châu Âu của Barclays, ông Emmanuel Cau cho biết, ô tô là một trong những ngành tiêu dùng chịu tác động của thương mại mà ông đang theo dõi. Những ngành khác bao gồm hàng thiết yếu, hàng xa xỉ và công nghiệp.

Rổ cổ phiếu châu Âu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ​​thuế quan của Barclays đã giảm khoảng 20%-25% so với thị trường chính trong 6 tháng qua.

Sự suy yếu của nền kinh tế khu vực đồng euro cũng có thể kéo dài tình trạng hoạt động kém hiệu quả của cổ phiếu châu Âu. STOXX 600 tăng 6% vào năm 2024, trong khi chỉ số S&P 500 tăng vọt 23%.

Một số đồng tiền suy giảm

Đồng đô la Canada đang ở mức yếu nhất trong hơn 4 năm qua giảm mạnh sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 25% đối với Canada và Mexico vào tháng 11 cho đến khi họ trấn áp vấn đề ma túy và người di cư.

Tương lai gần, đồng đô la Canada có khả năng giảm sâu hơn nữa. Các nhà phân tích của Goldman cho rằng, thị trường chỉ có thể định giá khoảng 5% khả năng xảy ra mức thuế quan như vậy và mặc dù họ cho rằng điều này khó có thể xảy ra, các cuộc đàm phán thương mại kéo dài có thể khiến rủi ro vẫn tồn tại.

Nhà phân tích Francesco Pesole của ING cho biết, một cuộc chiến thương mại toàn diện đòi hỏi phải cắt giảm thêm lãi suất của Canada có thể đẩy đồng loonie lên mức 1,50 so với USD. Điều đó có nghĩa là đồng tiền này sẽ suy yếu thêm gần 5% từ mức hiện tại. Thêm vào đó, việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau từ chức càng làm phức tạp thêm triển vọng.

Bên cạnh đó, đồng peso Mexico đã giảm 16% so với đồng USD vào năm 2024 khi ông Trump đắc cử, vì vậy rất nhiều tin tức - cả tốt cho đồng USD và xấu cho đồng peso - đã được phản ánh vào giá.

Hiệu suất của đồng peso năm 2024, giảm 18,6%, là mức tăng theo năm yếu nhất kể từ năm 2008. Bên cạnh mối đe dọa về thuế quan từ Hoa Kỳ - điểm đến của 80% hàng xuất khẩu của Mexico - một cuộc cải cách tư pháp gây tranh cãi cũng ảnh hưởng đến đồng tiền này.

Theo các nhà phân tích, sự biến động có thể tiếp tục vì hoạt động thương mại dọc biên giới phía nam Hoa Kỳ vẫn là mục tiêu của Tổng thống đắc cử Trump./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước