Tesla mất hơn 94 tỷ USD giá trị thị trường
Hiện chứng khoán Mỹ "loay hoay" tìm hướng, trạng thái giằng cơ liên tục. Giá dầu "mất phanh" lao dốc khi căng thẳng Biển Đỏ leo thang. Còn vàng lại "đi ngang" trong bối cảnh đồng USD tăng. Bên cạnh đó cuộc đua giành vị trí công ty đắt giá nhất thế giới tạm thời có kết quả mới. Microsoft đã "soán ngôi vương" của Apple.
Hiện vốn hóa Microsoft đạt 2,89 nghìn tỷ USD. Lo ngại về nhu cầu smartphone yếu đã kéo cổ phiếu Apple giảm. Trong khi sự hứng khởi của giới đầu tư về một làn sóng công nghệ AI tạo sinh mới đã thúc giá cổ phiếu Microsoft tăng mạnh thời gian gần đây.
Một cửa hàng của Tesla tại Washington, D.C. (Mỹ). (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, vị CEO đáng nhắc tới nhất lúc này phải là Elon Musk - tỷ phú giàu nhất hành tinh khi Tesla đã để mất hơn 94 tỷ USD, tương đương 12% giá trị thị trường chứng khoán chỉ trong hai tuần đầu tiên của năm nay.
Không khó để giải thích điều này, khi hãng liên tục chịu tác động từ nhiều thông tin tiêu cực như từ Tập đoàn Hertz Global Holding - một trong những công ty cho thuê xe lớn nhất thế giới không còn mặn mà với xe điện; hay giá bán dòng xe này tại Trung Quốc tiếp tục hạ và dấu hiệu cho thấy chi phí nhân công tăng.
Chưa kể tin xấu ập tới cuối tuần khi Tesla là hãng đầu tiên thông báo ngừng hoạt động tại nhà máy gần Berlin (Đức) từ 29/1 - 11/2 tới do thiếu linh kiện sau khi căng thẳng Biển Đỏ gia tăng làm các tàu container phải liên tục đổi lịch trình.
Nhận định chuyên gia Phố Wall về cổ phiếu Boeing
Nhóm cổ phiếu hàng không cũng đang chịu áp lực bán mạnh tại Phố Wall. Sự cố bung cửa của dòng Boeing 737 MAX 9 đang khiến nhiều hãng hàng không buộc phải dừng khai thác dòng máy bay này vì an toàn của hành khách.
Cổ phiếu Boeing "bốc hơi" 5,2% trong tuần qua. Còn tính từ khi sự cố bung cửa xảy ra ngày 5/1 đến hết tuần qua, cổ phiếu đã giảm gần 13%, xuống còn 217 USD/cổ phiếu.
Song cổ phiếu của nhiều hãng hàng không cũng nằm trong vòng xoáy giảm giá này. Bất chấp việc có quý IV/2023 đạt lợi nhuận doanh thu tốt do lượng khách đi lại tăng nhanh đợt cao điểm đón năm mới song cổ phiếu một loạt tên tuổi hàng không lớn tại Mỹ đã sụt giảm từ gần 4% đến 10% chỉ trong tuần qua.
Nhóm cổ phiếu hàng không cũng đang chịu áp lực bán mạnh tại Phố Wall. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Tin tích cực là nhiều nhà đầu tư đang cho rằng, Boeing đã kiểm soát tình hình tốt và đặc biệt Giám đốc điều hành lên tiếng nhẫn lỗi cũng như cam kết minh bạch 100% trong mọi quy trình.
Ông Adam Coons - Quản lý Quỹ Đầu tư Winthrop, Mỹ cho biết: "Thực tế đang cho thấy, vụ việc của Boeing đã và đang có ảnh hưởng ngắn hạn đến toàn bộ ngành hàng không. Nhưng với tư cách là một nhà đầu tư, tôi coi đây chỉ là một vấn đề ngắn hạn, nhóm cổ phiếu này sẽ dần phục hồi khi các hãng bay và chính Boeing tìm ra giải pháp để đảm bảo điều đó không xảy ra lần nữa. Thậm chí, đây thường là thời điểm tốt nhất để mua những cổ phiếu tốt sau khi nó liên bị bán ròng".
Cổ phiếu Airbus tăng mạnh trên thị trường chứng khoán châu Âu
Trên sàn chứng khoán châu Âu tuần qua, cổ phiếu của nhà sản xuất máy bay Airbus và tất cả các công ty cung cấp linh kiện máy bay đều bật tăng. Thống kê cho thấy, cổ phiếu của Airbus tăng mạnh trên 4 sàn chứng khoán tại châu Âu.
Chưa khi nào hãng sản xuất máy bay Airbus ký được nhiều hợp đồng bán máy bay như trong năm ngoái. Tờ El País ra tại Tây Ban Nha hôm 12/1 khẳng định Airbus củng cố vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không trong năm 2023, năm thứ 6 liên tiếp vượt trên đối thủ Boeing.
Bài báo cho biết hãng sản xuất máy bay châu Âu đã phá kỷ lục về lượng máy bay giao cho khách hàng, 735 máy bay thương mại trong vòng một năm và thành công cả về lượng đơn hàng mới, 2.094 chiếc. Cổ phiếu của Airbus đã tăng gần 6% trong tuần qua, lên mức cao chưa từng thấy kể từ khi niêm yết.
Cổ phiếu của các hãng cung cấp linh kiện cho Airbus cũng tăng mạnh: Safran chuyên về động cơ, Thalès sản xuất thiết bị liên lạc và dẫn đường hàng không, MTU cung cấp linh kiện cho động cơ phản lực… tất cả đều tăng ấn tượng trong tuần vừa rồi trên các sàn chứng khoán châu Âu.
Airbus công bố báo cáo kinh doanh đúng vào lúc đối thủ Mỹ Boeing đang mất điểm sau vụ máy bay bung cửa. Mọi khi báo chí châu Âu vẫn thường so sánh 2 hãng, dĩ nhiên là tuần vừa rồi cũng vậy.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Tờ Mặt trời 24h ra tại Italy cuối tuần trước có một vài biểu đồ tóm tắt. Cả hai hãng đều bán được nhiều máy bay hơn trong năm 2023, nhưng Airbus tiếp tục vượt xa Boeing trong tất cả các tiêu chí: Số lượng máy bay giao cho khách hàng 735 so với 528, đơn hàng riêng trong năm ngoái nhiều hơn gấp rưỡi và quan trọng nhất là lợi nhuận trong năm ngoái, trong khi Airbus thu lời 6 tỷ USD thì Boeing âm tới 2 tỷ USD.
Trong 2 tuần giao dịch đầu năm, cổ phiếu Airbus tăng 3%, còn Boeing mất hơn 12%. Tờ báo Italy giả định là ngày đầu năm 2021, cổ phiếu của hai hãng có giá ngang nhau, thì tới cuối tuần trước, ai nắm giữ cổ phiếu Airbus đã lời hơn 60%, so với vẻn vẹn 6% nếu mua cổ phiếu Boeing.
Du lịch phục hồi đang thúc đẩy các hãng hàng không mua thêm máy bay, áp lực giảm thải cũng buộc nhiều hãng phải loại bỏ dần các dòng máy bay cũ kỹ. Tờ Le Figaro của Pháp trích lời Tổng Giám đốc hãng Airbus nhấn mạnh đó cũng chính là 2 thách thức của hãng máy bay châu Âu. Riêng với loại máy bay A320neo, tới năm 2026 mỗi tháng Airbus phải xuất xưởng 75 chiếc, thay vì 50 chiếc mỗi tháng hiện nay mới kịp giao hàng.
Áp lực môi trường cũng đang buộc hãng phải nghiên cứu dòng máy bay phát thải thấp và nhất là động cơ máy bay dùng hydro. Hai thách thức này có vượt qua được mới có thể củng cố vị thế dẫn đầu của Airbus trong 10 - 20 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!