Thị trường cá hồi Sapa: Thay đổi để đáp ứng thị trường

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 28/04/2020 10:28 GMT+7

VTV.vn - Nghiên cứu các giải pháp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và điều chỉnh cách bảo quản, vận chuyển là giải pháp để cá hồi có thể rộng đường tới các thị trường.

Khai thác nguồn nước lạnh trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, hơn 40 cơ sở nuôi cá hồi tại Sapa, Lào Cai thường đạt tổng sản lượng gần 400 tấn/năm. Lâu nay, sản phẩm thường chỉ được tiêu thụ tại thị xã du lịch Sapa tuy nhiên do dịch bệnh COVID-19, Sapa không có khách du lịch, việc vận chuyển cá hồi tươi đi xa khó khăn vì vậy cá hồi ế đọng, có lúc lên đến 250 tấn.

Đặc thù của cá hồi đến lứa phải bán ngay, nếu không cá đẻ trứng xong sẽ chết. Nhiều hộ đã phải bán tháo cho thương lái với giá thấp nhưng vẫn không bán hết. Một số hộ xoay ra sấy, làm ruốc, hun khói, làm pate, trữ đông lạnh cá hồi, kêu gọi giải cứu trên Facebook, bán lẻ từng con đi các tỉnh nhưng cũng không được bao nhiêu.

Trước khó khăn này, Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lào Cai đã gửi công văn đề nghị Hà Nội tổ chức tiêu thụ giúp. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn như Vinmart và Big C đã vào cuộc chung tay hỗ trợ tiêu thụ đặc sản này. Bước đầu ghi nhận sự liên kết này đã có những tác động tích cực.

Thị trường cá hồi Sapa: Thay đổi để đáp ứng thị trường - Ảnh 1.

Chỉ sau 2 ngày đi khảo sát, Tuần lễ hỗ trợ tiêu thụ cá hồi Sapa đã được tổ chức. Ngay ngày khai mạc, 2 tấn cá hồi được đưa thẳng từ các bể nuôi nước lạnh Sapa về 17 siêu thị Big C miền Bắc. Lần đầu tiên, cá hồi tươi Sapa được bán tại Big C và thu hút người tiêu dùng. Ngay sau buổi bán đầu tiên, Big C đã phải yêu cầu vùng nuôi bổ sung thêm 2 tấn do nhu cầu tăng vượt dự kiến. 

Những khách hàng mới, cao cấp như hệ thống siêu thị lớn Big C, Vinmart đã tạo động lực cho các trại cá nghiên cứu các giải pháp phát triển vùng nuôi, nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng cá hồi lên gấp nhiều lần hiện tại.

Để được tiêu thụ trong hệ thống phân phối hiện đại, nông sản phải được sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm. Trong đó, nguồn nước nuôi cá được chú trọng nhất. Điển hình là mô hình hệ thống lọc nước tuần hoàn tại trại nuôi của anh Hải ở xã Ngũ Chỉ Sơn. Nước nuôi cá được bơm tái sử dụng qua hệ thống màng lọc, vừa tiết kiệm nguồn nước lạnh tự nhiên, vừa kiểm soát chất lượng nước, khống chế được dịch bệnh.

Gần đây, nhiều cơ sở nuôi cá hồi đã và đang nâng cao sản lượng cá hồi chế biến như cá hun khói, ruốc, pate cá hồi, dầu cá hồi hoặc cá hồi cắt khúc. Theo chủ cơ sở sản xuất, việc đa dạng hóa sản phẩm giúp cơ sở không phải tốn phí tiền thức ăn nuôi cá quá lứa. Hơn nữa, giúp tăng nhanh lượng khách tiêu dùng

Dịch COVID-19 đặt ra thách thức nhưng cũng chính là một phép thử cho nhiều nông sản để từ đó có những cách ứng phó bền vững hơn. Câu chuyện cá hồi Sapa cho thấy, việc có một hướng đi bài bản trong nuôi trồng, nâng cao chất lượng chế biến, tích cực liên kết tiêu thụ gần như là lời giải chung cho mọi thách thức.

Nông dân tăng cường bán nông sản online trong mùa dịch Nông dân tăng cường bán nông sản online trong mùa dịch

VTV.vn - Ngoài việc chủ động chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nông sản, nông dân miền Tây còn tăng cường bán hàng online.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước