Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức hút nhà đầu tư nước ngoài

Kate Trần-Thứ tư, ngày 12/06/2024 16:30 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đẩy mạnh đầu tư mở rộng

VTV.vn - Thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần khởi sắc và nhà đầu tư nước ngoài liên tục rót vốn với nhiều kỳ vọng về sự tăng trưởng bứt phá.

Nhà đầu tư nước ngoài tăng cường "rót" vốn

Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,1%; Hải Phòng tăng 9,5%; Cần Thơ tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 8,2%; TP. Hồ Chí Minh tăng 6,8%; Hà Nội tăng 6,7%.

Từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tiếp tăng trưởng qua các tháng. Qua đó làm nền tảng, tạo đà cho sản xuất của doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế khởi sắc đã giúp cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng của năm 2024 ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 45,1%…

Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.998,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,5% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 1,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 15,5%.

"Với những tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2024, mức doanh thu đạt hơn 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ, khu vực bán lẻ dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay.

Hơn thế nữa, theo bà Hương, thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực. Đây sẽ là động lực để bán lẻ nội địa hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Còn Theo ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia thương mại, nhờ doanh thu bán lẻ hàng hóa và hoạt động du lịch của một số địa phương tăng cao, giúp cho công tác điều hành kinh tế của nước ta đạt được mục tiêu kép vừa tạo động lực cho kinh tế phục hồi phát triển vừa góp phần kiềm chế lạm phát.

Từ những con số thống kê về mức tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024, thị trường bán lẻ nội địa nước ta tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Các chuyên gia kinh tễ cho rằng, bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, dòng đầu tư của các "ông lớn" suy giảm, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tạo được sức hút lớn để nhà đầu tư nước ngoài không ngại "rót" vốn.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức hút nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đẩy mạnh bán hàng online

Nhiều đại gia đến từ Nhật Bản, Thailand, Hàn Quốc, Singapore đã hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tại thị trường Việt Nam. Trong đó, phải kể đến những công ty lớn như: BRG, Aeon (Nhật Bản).

Điển hình có thể kể đến sự kiện diễn ra mới đây nhất, ngày 1/6, Tập đoàn BRG phối hợp với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) khai trương siêu thị FujiMart tại phố Giảng Võ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), đưa tổng số điểm bán của hệ thống FujiMart tại Hà Nội lên 11 điểm. Bên cạnh đó,

Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Aeon Việt Nam) vừa tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Tân An, tại tỉnh Long An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của Aeon Việt Nam và là trung tâm thương mại Aeon đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Aeon Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau; mở rộng và phát triển thêm các điểm mua sắm Aeon tại các trung tâm thương mại của các đối tác khác.

Đánh giá về các sự kiện trên, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, việc gia tăng điểm bán, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ, trong đó có nhiều "ông lớn" bán lẻ nước ngoài đã sớm nhìn thấy và đón đầu xu hướng bùng nổ của thị trường bán lẻ Việt Nam với tiềm năng lớn chưa được khai thác triệt để. Đây sẽ là động lực để bán lẻ nội địa hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Nắm bắt cơ hội để toả sáng

Đề cập thị trường bán lẻ không thể không nhắc đến sự phát triển của thị trường thương mại điện tử đến từ việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong và sau đại dịch Covid-19. Các nền tảng bán hàng online phổ biến như Shopee, Tiki, Chotot, Lazada… đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh của nhóm mặt hàng không thiết yếu. Nổi bật nhất là hoạt động bán hàng trên các mạng xã hội vượt qua website, ứng dụng của doanh nghiệp hay sàn thương mại điện tử. Theo đó, có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định có rất nhiều tiềm năng, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi.

Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung.

Từ thực tế đó, theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ cấn tiếp tục tập trung đầu tư chuyển hướng phát triển, mở rộng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, đáp ứng thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Đây không chỉ là giải pháp phát triển hợp xu thế, mà sự phát triển này còn giúp doanh nghiệp đối phó với gánh nặng chi phí mặt bằng, tiết kiệm… dồn nguồn lực để tập trung sản xuất và phục hồi.

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý, việc các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam cũng gây nên sức ép nhất định đến thị phần cho doanh nghiệp nội địa do có lợi thế về năng lực cạnh tranh, về quy mô và chuỗi liên kết toàn cầu với các nhà sản xuất.

Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa có quy mô nhỏ, năng lực yếu; đồng thời gánh các chi phí từ logistics, thuê mặt bằng cao. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp nội đang ngày càng lép vế trên sân nhà.

Do đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nội địa cần cạnh tranh bằng lợi thế cốt lõi với phương châm nắm rõ thị trường, mô hình bán lẻ và phân khúc khách hàng của mình, tránh dàn trải với quy mô quá lớn. Những doanh nghiệp nội địa cần trở thành những nhà bán lẻ chuyên nghiệp nhất.

Mặt khác, để cạnh tranh, các nhà bán lẻ cần phải liên tục đổi mới các kênh bán hàng ngoại tuyến và trực tuyến, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhanh chóng ở chặng cuối như giao hàng tận nơi, giao hàng trong ngày, ứng dụng các công cụ trực tuyến để giúp khách hàng lựa chọn/thử hàng/chuyển đổi/trả hàng (ví dụ quần áo, giày, dép), cũng như thanh toán điện tử nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Trên thực tế, hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.

Thị trường bán lẻ nội địa hiện còn thiếu vắng những nhà bán lẻ vận hành quy mô lớn, đặc biệt là đối với ngành liên quan đến thương mại điện tử. Chi phí logistics còn khá cao cũng là yếu tố chưa bền vững. Theo VECOM, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10 - 20%. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh thương mại điện tử hiện chỉ mới chú trọng vào phát triển các hệ thống giao nhận, kho bãi, quản lý hoạt động logistics. Chưa có nhiều đơn vị chú trọng vào phát triển các giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi, gây tác động trực tiếp đến quyền lợi và trải nghiệm của người dùng.

Vì vậy, theo bà Nguyễn Thúy Hải - Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, chúng ta cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử. Đồng thời, huy động các nguồn lực, đặc biệt sự hỗ trợ về kỹ thuật của các đối tác trong nước và nước ngoài, đặc biệt các sàn thương mại điện tử trong nước như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki và các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba. Từ đó, huấn luyện, nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng về chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, các kỹ năng quảng bá bán hàng trên môi trường số, kỹ năng bán hàng livestream.

Còn về phía nhà nước, các chuyên gia cho rằng cần có chính sách thiết thực, tác động hiệu quả tới thị trường bán lẻ, cũng như xu hướng phát triển bền vững thị trường bán lẻ. Đặc biệt, cần có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như việc tháo gỡ các rào cản về pháp lý nhằm thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, mở rộng thị trường trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề kích cầu tiêu dùng, giảm thuế VAT,…

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, thúc đẩy thị trường trong nước luôn là giải pháp hàng đầu hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại ngay tại thị trường nội địa và đặc biệt là có chính sách hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh, cũng như chi phí quầy kệ của doanh nghiệp bán lẻ. Đặc biệt lưu ý tới kết nối giao thương giữa các đơn vị để giảm thiểu thời gian chuyển hóa hàng hoá từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Còn các doanh nghiệp bán lẻ cần đổi mới phương thức kinh doanh, đưa sản phẩm có chất lượng, giá hợp lý đến với người tiêu dùng nhanh nhất, đồng thời có các chính sách khuyến mại, hậu mãi để giữ chân người mua và tạo uy tín thương hiệu./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước