Theo đó, 16 bồn chứa LNG đã hoàn thành hành trình gần 2.000 km an toàn, khởi đầu thành công của hoạt động vận chuyển LNG Nam - Bắc. Góp phần tăng cường nguồn nhiên liệu sạch cho các tỉnh phía Bắc, nơi mà nguồn nhiên liệu sạch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất. Qua đó đã nâng cấp chuỗi cung ứng LNG nói riêng và hoàn thiện bản đồ năng lượng quốc gia nói chung.
Để quá trình vận chuyển được an toàn, đơn vị vận tải là Tổng công ty vận tải và thương mại đường sắt đã phải đưa ra nhiều giải pháp về công nghệ mới, như bồn chứa được thiết kế làm ba lớp gồm lớp vỏ, lớp chân không và cuối cùng là hỗn hợp niken và sợi thủy tinh. Ngoài ra, việc theo dõi quá trình vận chuyển cũng đặc biệt hơn so với các bồn chứa khác.
Thành công của chuyến tàu đầu tiên chở khí LNG từ Nam ra Bắc
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó TGĐ Tổng công ty Vận tải và Thương mại đường sắt – RATRACO cho biết: "Đầu tiên là thiết bị GPS định vị giúp cho các khu vực sẽ biết được bồn đang di chuyển đến đâu và tốc độ di chuyển như thế nào. Thứ hai là có các hộp đen, thiết bị để có thể thông tin về các thông số chất lỏng ở trong bồn, áp suất trong bồn, nhiệt độ ở trong bồn suốt quá trình vận chuyển".
Với việc thành công của chuyến tàu đầu tiên chở khí LNG từ Nam ra Bắc đã đánh dấu mảnh ghép hoàn thiện của chuỗi cung ứng năng lượng khí được vận chuyển đa phương thức bằng đường ống, đường bộ, đường thủy và kết hợp đường sắt. Qua đó, cung cấp thêm nguồn nhiên liệu sạch đối với thị trường các tỉnh phía Bắc.
Ông Vũ Văn Thực - Giám đốc Công ty cổ phần CNG Việt Nam chia sẻ: "Miền Bắc với dung lượng, sản lượng có hạn hơn so với miền Nam, do vậy sản phẩm LNG này đưa ra sẽ bù được nhu cầu đang thiếu hụt ở miền Bắc. Chúng tôi kỳ vọng, sản phẩm LNG này sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và chúng tôi tin tưởng khách hàng sẽ tin tưởng, tín nhiệm và sử dụng sản phẩm của chúng tôi".
Theo dự báo, nhu cầu thị trường khí Việt Nam, bao gồm khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu giai đoạn 2030 - 2050, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40% - 45%, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ dao động từ 55% - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: sản xuất điện; công nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!