Chiều 28/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016. Cùng với việc khẳng định vai trò quan trọng của khối DNNN, các đại biểu cũng đã tiếp tục đề cập đến những tồn tại, hạn chế trong quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp và quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
Theo dõi phiên thảo luận, nhiều cử tri đã ấn tượng với phát biểu thẳng thắn của đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đó là nhiều bộ, ngành không muốn rời xa doanh nghiệp vốn được coi là "sân sau" khi đề cập đến tình trạng chậm tách các chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp của các bộ. Hay ví dụ của đại biểu Hoàng Quang Hàm về việc Nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng nhưng nhà máy Ethanol Phú Thọ vẫn đắp chiếu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu thực tế, dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức vì quản lý yếu kém. Đây là những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước bởi nếu không có những giải pháp hiệu quả và quyết liệt trong thời gian tới thì ngân sách quốc gia sẽ ngày càng thất thoát.
Có rất nhiều đại biểu nêu thực trạng tài sản Nhà nước bán ra luôn có xu hướng bị định giá thấp đi. Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: "Nguyên nhân cơ bản nhất của tình trạng là mô hình của : thuộc sở hữu của Nhà nước trong khi chưa xử lý được đại diện quyền sở hữu nhà nước và quyền quản lý của Nhà nước trong đó có vấn đề về thanh tra giám sát.
Thứ hai, quá trình chuyển đổi từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu khu vực ngoài Nhà nước là nguyên nhân căn bản khiến hàng loạt sai phạm xảy ra trong quá trình định giá và cổ phần hóa DNNN, thậm chí sai phạm lớn.
Mặc dù liên tục hoàn thiện quy trình cổ phần hóa DNNN như định giá DNNN, đưa thêm các yếu tố thị trường vào đó tuy nhiên, quá trình thực hiện có khá nhiều điểm phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa".
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho rằng vấn đề không phải ở định giá ban đầu mà quan trọng phải làm tốt khâu đấu giá.
"Giá ở đây chỉ là giá tham khảo, giá sàn để đấu giá. Vấn đề định giá doanh nghiệp chưa sát với thị trường có mất vốn hay không? Mất vốn chỉ diễn ra trong quá trình đấu giá cổ phần, đây là khâu quan trọng, then chốt. Để cho thị trường định giá thì tốt hơn", đại biểu Dũng nói. Ông cho rằng cần tập trung giám sát việc xây dựng quy trình đấu giá, làm giảm lượng thất thoát tài sản, vốn Nhà nước.
Bình luận về ý kiến này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Chúng ta phải làm tốt cả định giá và đấu giá. Vấn đề định giá ban đầu cần có quy trình, quan trọng như quy trình đấu giá theo cơ chế thị trường. Việc định giá ban đầu, nếu có quy trình tốt, cơ chế tốt chắc chắn sẽ có khởi đầu làm căn cứ, cơ sở để thực hiện đấu giá. Định giá tốt thì việc cổ phần hóa khép kín, hay thông đồng nhau để mua rẻ các DNNN cổ phần hóa sẽ được hạn chế rất nhiều.
Định giá sau đó đấu giá thì khoảng cách giữa giá sau khi đấu thầu và giá đã định theo cơ chế thị trường sẽ thu hẹp rất nhiều. Như vậy, có giá sát với giá thị trường. Phải coi trọng định giá ban đầu và cơ chế đấu giá, phải thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc, cơ chế thị trường".
Định giá và làm tốt khâu đấu giá sẽ khắc phục được những yếu kém hiện tại. Một số vi phạm trong quản lý vốn, sử dụng tài sản Nhà nước đã để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính, thất thoát lượng lớn ngân sách Nhà nước và buộc các cơ quan chức năng phải xử lý kỷ luật cán bộ.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các sai phạm trong quản lý vốn Nhà nước ngày càng nhiều trong thời gian gần đây là sự yếu kém và những lỗ hổng trong công tác giám sát doanh nghiệp Nhà nước. Nhiều đại biểu đặt ra những lo ngại về chất lượng giám sát.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!