Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất lúa gạo ĐBSCL

Đăng Học - Đức Thuận -Thứ năm, ngày 11/07/2013 19:00 GMT+7

 Hôm nay (11/7), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Bộ NN&PTNT, NHNN đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp - địa phương có sản lượng lúa gạo và thủy sản lớn.

Liên kết lỏng lẻo giữa sản xuất - tiêu thụ

Theo khảo sát và đánh giá thực tế, lỗ hổng lớn nhất hiện nay và cũng là bức xúc lớn nhất trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung là sự liên kết hết sức lỏng lẻo giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ giữa nông dân - doanh nghiệp và các đối tác. Trong mối quan hệ này, người sản xuất trực tiếp luôn yếu thế nhất, từ đó làm thiệt hại đến lợi ích của người nông dân, ảnh hưởng đến nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp của đất nước.

Trong khi mô hình liên kết cũ đang trở nên lỗi thời thì trong thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình liên kết sản xuất kiểu mới, hiệu quả, trong đó có mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, đang cần hệ thống pháp luật và chính sách mới để điều chỉnh và khuyến khích. Tương tự như sản xuất lúa gạo, nông sản, mặt hàng thủy sản, đặc biệt là cá tra, sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ có rất nhiều hạn chế.

Vai trò mờ nhạt của các cơ quan quản lý

Bên cạnh đó, việc không có và thiếu quy hoạch, các quy định quản lý về chất lượng, thị trường, xúc tiến thương mại, vai trò mờ nhạt trong quản lý của các cơ quan nhà nước, của các hiệp hội đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất đình đốn, xuất khẩu sụt giảm. Để giải quyết những khó khăn và thách thức này, nhiều chính sách mới sẽ được ban hành trong thời gian tới.

‘ Ảnh: Cổng ĐT chính phủ

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nguồn lực, lợi thế, tiềm năng của ĐBSCL là sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái. Tuy nhiên sau một thời gian dài phát triển vượt trội về lượng, sản xuất hàng hóa nông thủy sản của vùng đã phát triển chậm lại, lợi nhuận người nông dân giảm sút. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này nhưng yếu tố cốt lõi nhất là mô hình cũ, quan hệ sản xuất đã không còn phù hợp với lực lượng sản xuất. Vì thế, không thể kéo dài mãi mô hình kinh tế hộ sản xuất nhỏ lẻ, mà phải thay đổi để đi lên sản xuất lớn, liên kết theo chuỗi, giá trị gia tăng cao. Điều này đang đòi hỏi phải cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp.

Lưu ý chuyển dịch, phát triển kinh tế nông nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp nói riêng, các tỉnh trong vùng nói chung hết sức lưu ý đến chuyển dịch, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trước hết là quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu; có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch nông nghiệp gắn liền với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong vùng thực hiện tốt chính sách thu mua tạm trữ lương thực, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trước đó, Thủ tướng đã đến dâng hương hương, tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước