Năm 2017, Đạm Ninh Bình - 1 trong số 12 dự án "nghìn tỷ đắp chiếu" của Bộ Công Thương đã được vận hành trở lại. Tuy nhiên, đến nay hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này mới chỉ cầm chừng. Vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp chưa có phương án tài chính đủ mạnh và dài hạn để ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động.
Kể từ khi vận hành trở lại vào tháng 1/2017, nhà máy Đạm Ninh Bình đã tiến hành sản xuất đợt thứ 3. Theo kế hoạch, quý I năm nay sản lượng Ure cung cấp ra thị trường sẽ đạt hơn 76.000 tấn với doanh thu khoảng 400 tỷ đồng. Dù nhu cầu thị trường còn rất lớn, nhưng nhà máy chỉ có thể hoạt động với 80% công suất thiết kế do nguồn vốn hạn hẹp.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, để ổn định sản xuất cho nhà máy, chi phí đầu vào mỗi tháng ít nhất là 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm thu lỗ liên tục và gần 2 năm phải tạm ngừng hoạt động, để tìm được nguồn chi phí này, cách duy nhất là phải dựa vào chính nội lực của Tập đoàn Hóa chất và sự hỗ trợ của các đối tác.
Trong số 12 dự án lớn do Bộ Công Thương quản lý đang bị thua lỗ, Đạm Ninh Bình là 1 trong 6 dự án đã khôi phục được sản xuất và bắt đầu giảm bớt thua lỗ. Năm 2017, Đạm Ninh Bình giảm lỗ được gần 270 tỷ đồng so với phương án ngừng chạy máy.
Tại cuộc làm việc mới đây với Đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định đây là một thương hiệu, một sản phẩm có ích cho nhà nông. Do vậy, ngành Công Thương sẽ không buông xuôi mà tiếp tục nỗ lực vực dậy nhà máy này từ nội lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!