Tháo gỡ bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 08/05/2024 09:15 GMT+7

VTV.vn - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi để báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 tới.

Thuế giá trị gia tăng là sắc thuế có số thu lớn nhất trong hệ thống thu Ngân sách Nhà nước. Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đã được thực hiện hơn 15 năm nay, và hiện đang bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi để báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 tới đây và thông qua tại kỳ họp vào tháng 10, nhằm tháo gỡ những bất cập đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc điểm của thuế GTGT là loại thuế gián thu sẽ cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng trả khi sử dụng sản phẩm đó. Như vậy, người chịu thuế GTGT thực tế là người tiêu dùng nhưng người đóng thuế GTGT là các cơ sở kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu sửa luật lần này là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, dự thảo Luật sẽ giảm bớt số nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, tăng nhóm chịu thuế suất 10%, giảm nhóm chịu thuế suất 5%.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết: "Chuyển 1 số đối tượng chuyển từ chịu thuế 5% sang 10% thì nó có hiệu ứng giảm được tăng giá thành, giảm tính phức tạp cho doanh nghiệp khi vừa cung cấp dịch vụ chịu thuế vừa cung cấp dịch vụ ko chịu thuế trong việc kê khai phân bổ thuế GTGT đầu vào. Dự thảo luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm mặt hàng thuộc diện không chịu thuế và 12 nhóm chịu thuế 5%".

Nhiều năm nay, giá phân bón trong nước luôn cao hơn giá phân bón nhập khẩu. Nguyên nhân là do phân bón là mặt hàng không chịu thuế GTGT, nhưng nguyên liệu đầu vào thì vẫn phải chịu mức thuế GTGT 10%. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước lại không được hoàn lại số thuế này. Vì vậy, Hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị bổ sung phân bón vào nhóm chịu thuế giá trị gia tăng 5% để hoàn thuế đầu vào doanh nghiệp đã nộp trước đó.

"Phân bón là vật tư đầu vào rất quan trọng với đầu vào của sản xuất nông nghiệp, chiếm từ 45-50% các vật tư nông nghiệp. Giảm được điều đó thì có lợi cho sản xuất nông nghiệp", ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam chia sẻ.

TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho biết: "Đồng thời sửa qui định về hoàn thuế. Đưa vào thuế 5% đầu vào lớn hơn đầu ra là được hoàn thuế. Vì theo qui định hiện nay nhóm chịu thuế suất 5% không được hoàn thuế nên phải sửa cả 2 qui định".

Nhiều doanh nghiệp cho rằng không nên bỏ thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất. Nếu bỏ thì khoản thuế phải nộp sẽ bị tính vào chi phí sản xuất, dẫn đến giá thành hàng xuất khẩu tăng cao sẽ làm giảm sức thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Dự thảo luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi đang được lấy ý kiến có điều khoản áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% đối với tất cả các dịch vụ xuất khẩu, (chỉ trừ một số dịch vụ được quy định cụ thể).

Cũng vì mức thuế này mà đã có thực tế là đã có không ít người Việt Nam quyết định lập thêm công ty ở nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng - nhằm giảm nghĩa vụ thuế.

Bộ Tài chính cho rằng dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ có tính vô hình nên việc xác định tiêu dùng tại Việt Nam hay nước ngoài là "rất khó". Khó cho cả cơ quan thuế và người nộp. Việc áp thuế VAT với các dịch vụ xuất khẩu hiện đang là một trong những nội dung nhận được nhiều nhất sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cân nhắc áp thuế VAT với các dịch vụ xuất khẩu

Tháo gỡ bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc về nội dung này, bởi nếu quy định như đề xuất không chỉ tạo ra sự thiếu công bằng, mà còn khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP cho biết, theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.

Còn báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thì cho rằng, theo một số công ty tư vấn thuế, doanh nghiệp, việc giới hạn các dịch vụ được hưởng thuế suất 0% sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu phi thuế quan, đặc biệt là các doanh nghiệp chế xuất, cũng như có thể ảnh hưởng đến những lĩnh vực dịch vụ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu như dịch vụ thanh toán, marketing, trung tâm hỗ trợ bán hàng, logistics.

Hiện nay, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn của Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đạt khoảng 20 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP.

"Ở một số nước họ áp dụng 0% đối với dịch vụ xuất khẩu thì cái cạnh tranh của Việt Nam sẽ không tốt bằng. Cho nên ý kiến của cá nhân tôi thì chúng tôi đề nghị cân nhắc xem xét vấn đề này để hài hòa, rõ ràng đã áp dụng thuế suất 0% thì Chính phủ phải hoàn lại tiền thuế. Như vậy rõ ràng ngân sách nhà nước sẽ có những phần khó hoặc là để xác định là thế nào là tiêu thụ, hay tiêu dùng ở Việt Nam nó khó hơn nhưng rõ ràng đối với doanh nghiệp thì sẽ thuận lợi hơn. Cho nên là chúng ta cần phải cân nhắc", bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ.

Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân và doanh nghiệp. Hiện Bộ Tài chính là cơ quan soạn thảo dự thảo luật sửa đổi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 này) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm nay).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước