Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng cho dịch vụ thanh toán điện tử. Nhưng thực tế, hoạt động thanh toán điện tử chủ yếu mới phát triển mạnh ở các thành phố lớn. 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn chủ yếu vẫn đang dùng tiền mặt trong các giao dịch.
Theo báo Đầu tư Chứng khoán, muốn thanh toán không dùng tiền mặt phải có tài khoản ở ngân hàng và tài khoản phải có tiền. Trong khi đó, người dân ở vùng nông thôn chưa thực sự làm quen với tài khoản ngân hàng.
Thêm nữa, hệ thống máy rút tiền tự động, máy chấp nhận thanh toán thẻ được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… trong khi ở khu vực nông thôn, miền núi còn ít, không thuận tiện cho chủ thẻ sử dụng hàng ngày.
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, muốn thay đổi, cần đầu tư cho hạ tầng thanh toán ở nông thôn. Thế nên, một giải pháp được đưa ra là mở cửa thanh toán di động cho nhà mạng.
Bài báo trích ý kiến của đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho rằng các nhà mạng có kênh thẻ cào phủ rộng cả nước nên nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ sẽ tiện lợi.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cũng đề nghị, Chính phủ sớm có chính sách cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử.
Theo các số liệu hiện có, Việt Nam hiện có hơn 100 triệu khách thuê bao di động. Trong đó, hơn 70% người dân thành thị và hơn 50% người ở nông thôn sử dụng điện thoại thông minh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phương thức thanh toán qua điện thoại di động, nhất là trong bối cảnh dịch vụ ngân hàng còn thưa thớt ở khu vực nông thôn.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ở nước ngoài, việc tham gia của các công ty viễn thông vào hoạt động thanh toán điện tử khá nhiều. Do mạng lưới viễn thông hiện rộng hơn mạng lưới ngân hàng nhiều nên việc cho phép công ty viễn thông thực hiện thanh toán sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc thanh toán không dùng tiền mặt nhưng cần đảm bảo tài khoản thanh toán trong trường hợp bị mất điện thoại.
Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, nếu công ty viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử, cần đưa ra một số điều kiện về năng lực tài chính, công nghệ, con người, hệ thống kiểm soát rủi ro, đặc biệt rủi ro liên quan đến ví điện tử, kiểm soát chống rửa tiền, đánh bạc… Trong 3 năm gần đây, tốc độ thanh toán điện tử tăng trung bình từ 15 - 17% mỗi năm. Con số này có thể sẽ còn tăng thêm khi có sự tham gia của các công ty viễn thông.
Hiện nay, đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân ở khu vực nông thôn dùng điện thoại thông minh nhưng chủ yếu vẫn để nghe, gọi, lướt Facebook hoặc nhắn tin Zalo, còn việc dùng để mua một món hàng, rồi thanh toán điện tử vẫn còn là điều khá xa lạ. Liệu thế cục có thay đổi nếu các nhà mạng được phép tham gia thị trường này? Đó vẫn là một ẩn số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!