Mới đây, các ngân hàng đã đồng loạt báo cáo lợi nhuận quý II. Một bức tranh chung là khó khăn, thể hiện rõ qua việc lợi nhuận sụt giảm, một phần do tín dụng tăng trưởng chậm, trong khi các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro từ các khoản vay của khách hàng đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh.
Dự báo đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu cộng gộp vào khoảng 6%, tức cao gấp 1,5 lần so với cuối năm 2019.
Theo thống kê của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), trong tổng số hơn 20 ngân hàng từng bán nợ cho cơ quan này, hiện có 17 ngân hàng đã mua lại toàn bộ nợ xấu mà trước đây bán. Điều này cho thấy tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại và tại VAMC đã có những tiến triển rõ rệt.
Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đang khiến khả năng trả nợ của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, kể cả khi họ đã được các ngân hàng giãn, hoãn hay giảm lãi suất... Bởi vậy, nguy cơ nợ xấu quay trở lại là điều được nhiều ngân hàng dự liệu.
Ứng phó với áp lực nợ xấu
Cùng với áp lực nợ xấu tăng lên, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng cũng đồng loạt thanh lý các loại tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tài sản rao bán khá đa dạng, từ bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, các loại ô tô từ bình dân đến xe sang… Tuy nhiên, dù giảm giá mạnh nhưng chỉ rất ít người mua. Thậm chí, nhiều tài sản được ngân hàng đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được.
Dự báo đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu cộng gộp vào khoảng 6%. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý và thu hồi nợ xấu. Thị trường trầm lắng khiến các nhà đầu tư mua nợ cũng không mặn mà.
Hàng loạt tài sản là ô tô đang được nhiều ngân hàng rao bán thời gian gần đây đã phần nào cho thấy quá trình trả nợ và thu hồi nợ đang vừa phải đối mặt với nguy cơ gia tăng nợ xấu, vừa phải quyết liệt xử lý. Chủ động ứng phó và trích lập dự phòng rủi ro là điều mà nhiều ngân hàng đã áp dụng để đối mặt với nợ xấu tăng trở lại.
Nghị quyết 42 thúc đẩy xử lý nợ xấu
Việc các ngân hàng liên tục rao bán, thanh lý các tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu tồn đọng tại ngân hàng giai đoạn này, ở một góc độ nào đó được cho là cơ hội để thúc đẩy thị trường mua bán nợ. Đó còn là phép thử để tiếp tục cho thấy những hạn chế khi tổng kết quá trình thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Từ khi Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực, số nợ xấu được xử lý đã tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước.
Nghị quyết đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng như: khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD và công ty mua bán tài sản của các TCTD (VAMC); cho phép mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường; mở rộng đối tượng mua bán nợ xấu...
Tính đến giữa năm nay, gần 294.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết số 42. Trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,6 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết.
Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý và thu hồi nợ xấu. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Khi Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực, các chuyên gia khuyến nghị cân nhắc 2 phương án: Một là ban hành Luật riêng về xử lý nợ xấu, nhằm luật hóa Nghị quyết 42, để Nghị quyết trở nên mạnh mẽ hơn; Hai là gia hạn thêm thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và có sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn, giải quyết những tồn tại đã được chỉ ra qua 5 năm thực hiện.
Tuy nhiên với bối cảnh khó khăn trước mắt, để xử lý nợ xấu hiệu quả một cách bền vững, các chuyên gia cho rằng vấn đề căn cốt là doanh nghiệp phải sống và sống khỏe thì việc xử lý nợ xấu mới thuận lợi. Như vậy, mục tiêu của tái cơ cấu là làm sao phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, chứ không phải tái cơ cấu để siết chặt lại. Đây là bài toán kinh tế xã hội tổng thể, không chỉ đơn thuần là tái cơ cấu một ngành.
Việc phát mại tài sản đảm bảo, nhất là bất động sản có giá trị lớn trong bối cảnh hiện nay sẽ khó hơn vì người mua cũng gặp khó khăn về tài chính. Điều này có đồng nghĩa với việc xử lý nợ, thu hồi nợ là khó khả thi?
Bên cạnh việc không có người mua còn có những nguyên nhân gì khiến các ngân hàng dù ráo riết rao bán, đấu giá hàng chục lần vẫn không thể xử lý được một khoản nợ xấu?
Câu trả lời sẽ phần nào được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 1/9, với sự tham gia của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!