Thách thức tăng sức hút đầu tư chứng chỉ quỹ

VTV Digital-Thứ năm, ngày 06/06/2024 09:44 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê, mức tăng trưởng bình quân của ngành quản lý quỹ tại Việt Nam đạt khoảng 16%/năm trong 3 năm gần đây. Cho thấy tiềm năng của kênh đầu tư này là rất lớn.

Việt Nam với khoảng 100 triệu dân nhưng chỉ có hơn 264.000 tài khoản đầu tư qua quỹ. Dù tính trung bình 5 năm qua, nhiều quỹ đầu tư tại Việt Nam đang tạo ra hiệu suất không hề tồi, nếu không muốn nói là có phần vượt trội so với việc đi gửi tiết kiệm. 

Quỹ của VCBF, Dragon Capital hay SSIAM đã tạo ra lợi nhuận kép khoảng 13-17% mỗi năm trong 5 năm qua. Hay quỹ VESAF của Vinacapital tạo ra 129% lợi nhuận cho nhà đầu tư 5 năm qua, tương đương lãi kép 18%/năm. Tức là với 500 triệu bỏ ra năm đầu tiên và liên tục tái đầu tư sau 5 năm con số sẽ là 1,14 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, một phần do tâm lý "ăn chắc mặc bền" ăn sâu đã khiến 1 bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam quen đem tiền đi gửi tiết kiệm cho an toàn. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2/2024, tiền gửi của người dân đạt kỷ lục ở mức 6,64 triệu tỉ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2023. Trong khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang trong vùng đáy lịch sử, với nhóm Big 4 trả lãi tiết kiệm 1 năm dưới 5%.

Lí do thứ hai cũng liên quan đến tâm lý "ăn chắc mặc bền" đang khiến cho nhiều nhà đầu tư thích tự cầm tiền đi đầu tư. Thời gian qua lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh và hiện tại chúng ta có khoảng 7,8 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán. Vì tiền của mình đưa cho người khác cầm rõ ràng là không thích bằng mình tự cầm. Tuy nhiên nếu chưa đủ kiến thức và thời gian để quản trị khoản đầu tư thì đồng tiền cầm trong tay chưa chắc có thể sinh lời.

Đã từng thử sức với đầu tư chứng khoán, nhưng khoảng hơn 1 năm nay, sau khi biết đến kênh đầu tư chứng chỉ quỹ, với số tiền đầu tư mang tính thử nghiệm ban đầu là vài chục triệu đồng, đạt lợi suất hơn 20%. Chị Thư đã chuyển sang đầu tư định kỳ theo tháng.

"Với cái công việc bận rộn tôi không thể lúc nào cũng xem tình hình thị trường như thế nào, cổ phiếu đi lên đi xuống để căn thời điểm thích hợp đầu tư. Khi chuyển sang đầu tư chứng chỉ quỹ tôi cảm thấy yên tâm hơn, khi có khoản vốn nhàn rỗi mình bỏ vô chứng chỉ quỹ mình không phải quan tâm thị trường biến động ra sao", nhà đầu tư Nguyễn Thanh Thư - Quận 10, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Nhà đầu tư Trương Quang Tiến - Quận 8, TP Hồ Chí Minh cho hay: "Từ khi chuyển qua đầu tư chứng chỉ quỹ, tôi thấy mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Tôi không còn mất nhiều thời gian theo dõi thị trường. Chỉ việc bỏ tiền vô trong quỹ và các chuyên gia sẽ đầu tư thay tôi. Trong khoảng thời gian đầu tư chứng chỉ quỹ thì tôi mới đầu tư đây thôi và tôi thấy hiệu quả của kênh đầu tư này rất là lớn".

Với số tiền đầu tư tối thiểu từ vài chục nghìn đồng, nhà đầu tư cá nhân đã có thể mua vào chứng chỉ quỹ. Và tùy vào khẩu vị rủi ro, nhà đầu tư cá nhân có thể chọn những quỹ có mức độ an toàn tuyệt đối như đầu tư vào trái phiếu chính phủ, những quỹ rủi ro hơn nhưng tiềm năng lợi nhuận cao hơn như quỹ cổ phiếu, trái phiếu. Đầu tư chứng chỉ quỹ được nhìn nhận là khá dễ dàng cho nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, mối quan tâm của nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn còn khá thấp.

Ông Nguyễn Lê Đình Quang - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Light House cho biết: "Xu hướng hiện tại đang là nhà đầu tư cá nhân chiếm khá đông, nhưng 95% nhà đầu tư cá nhân là lỗ, chỉ có khoảng 5% còn lại tự đầu tư có lãi. Trong khi đó theo thống kê của 21 quỹ đầu tư có quỹ mở trên thị trường thì gần 95% các quỹ đều có lợi nhuận và có khoản sinh lời trong suốt thời gian thống kê. Điều đó cho thấy nhà đầu tư cá nhân do họ chưa biết nhiều về sản phẩm chứng chỉ quỹ để họ có thể giao tài sản và tiền cho các quỹ quản lý hộ".

Làm thế nào để công chúng đầu tư biết đến và hiểu về chứng chỉ quỹ mở, cũng như tiếp cận dễ dàng hơn là thách thức với tất cả các công ty quản lý quỹ trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank cho hay: "Quy định của luật tổ chức tín dụng thì các ngân hàng không được phân phối, trong khi đó ở các nước ngân hàng là kênh phân phối chính của chứng chỉ quỹ. Thứ 2 là công ty chứng khoán đang tập chung vào môi giới chứng khoán ngắn hạn, cũng chưa tập chung vào chứng chỉ quỹ".

Theo thống kê, mức tăng trưởng bình quân của ngành quản lý quỹ tại Việt Nam đạt khoảng 16%/năm trong 3 năm gần đây. Nhiều quỹ mới được thành lập chỉ trong 1 - 2 năm đã có tăng trưởng về quy mô gấp 5-6 lần giai đoạn IPO. Cho thấy tiềm năng của kênh đầu tư này là rất lớn. Nhưng để đảo ngược bức tranh: 85% giao dịch trên thị trường là của nhà đầu tư cá nhân - chỉ 15% nhà đầu tư tổ chức sẽ còn chặng đường dài.

Phát triển ngành quỹ tại Việt Nam

Thách thức tăng sức hút đầu tư chứng chỉ quỹ - Ảnh 1.

Công ty chứng khoán đang tập chung vào môi giới chứng khoán ngắn hạn nhiều hơn

Sở hữu đội ngũ quản lý quỹ tài năng có học thức, thậm chí nhiều quỹ đang quản lý hàng tỷ USD tiền bảo hiểm. Nhưng nhiều quy định đang khiến ngành quỹ được ví như những người "khổng lồ bị xích".

Để hiểu thêm về những nút thắt ngành gặp phải, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Brook Taylor - Tổng giám đốc quỹ đầu tư Vinacapital - đơn vị đang quản lý khoảng 4 tỷ USD. Ông đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách tiếng Anh có tựa đề tạm dịch là Ngôi sao tăng trưởng của châu Á: Động lực đằng sau sự tăng trưởng thần kỳ của Việt Nam.

Tại sao ông lại có niềm tin lớn như vậy vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam?

Ông Brook Taylor - Tổng giám đốc, CTCP Quản lý quỹ VinaCapital: Đúng là tình yêu Việt Nam với một người đã sống và làm việc tại đất nước 25 năm nay như tôi là rất lớn. Nhưng không phải vì thế tôi bị thái quá mà thực sự tôi mong muốn mọi người đều hiểu được vẻ đẹp và tiềm năng của Việt Nam qua cuốn sách của tôi. Tôi có gặp một  số người bạn quốc tế và sinh viên quốc tế và những gì họ biết về Việt Nam đã cũ rồi, đất nước và kinh tế đang phát triển nhanh. Thậm chí có một số người dân Việt Nam tôi tiếp xúc họ cũng không hiểu hết được, họ chỉ thấy sự tăng trưởng chứ chưa thấy được động lực đằng sau. Và khi mọi người hiểu về kinh tế đất nước thì sẽ có thể đầu tư dài hạn, cùng quỹ đầu tư đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế được, thay vì liên tục thấy bị xáo trộn bởi các biến động ngắn hạn.

Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tiễn đầu tư của ngành quỹ tại Việt Nam hiện thế nào?

Ông Brook Taylor - Tổng giám đốc, CTCP Quản lý quỹ VinaCapital: Hiện nay trên sàn niêm yết có khoảng 700 cổ phiếu và trong đó chỉ có khoảng 100-150 cổ phiếu là đủ điều kiện để các quỹ cho vào danh mục nghiên cứu đầu tư và một  lượng lớn trong số các cổ phiếu này thì cũng đã kín room ngoại rồi. Vậy nên chúng tôi rất kỳ vọng vào việc IPO các doanh nghiệp chất lượng hơn trong thời gian tới, không chỉ ở phía khối tư nhân mà cả các doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra chúng tôi cũng đề xuất bớt hạn chế quỹ đầu tư nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong khi thị trường đang chủ yếu là dạng trái phiếu này. Bên cạnh đó việc đánh thuế quỹ cổ tức cũng đang là đánh thuế kép.

Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã có những tiêu chí định lượng rõ ràng về số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới nhưng lại thiếu đi những mục tiêu cụ thể về số lượng tài khoản mở tại quỹ đầu tư. Để hạn chế tâm lý đầu cơ do việc đầu tư tự phát và phát triển 1 quốc gia đầu tư, rõ ràng vai trò của nhà đầu tư tổ chức mà cụ thể ở đây là các quỹ đầu tư cần được nhìn nhận 1 cách thấu đáo hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước