Ngày 30/3, nhóm chuyên gia kinh tế của Chính phủ Đức đã công bố báo cáo đánh giá về hậu quả kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, theo đó nền kinh tế đầu tàu châu Âu có thể giảm từ 2,8-5,4% trước khi phục hồi vào năm 2021.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lars Feld, người đứng đầu ban tư vấn nêu trên, nhận định đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Đức. Nhóm cố vấn kinh tế đưa ra ba kịch bản cho sự phát triển trong năm 2020 và 2021 với thời gian và quy mô thực hiện các biện pháp hạn chế và chính sách y tế khác nhau. Trong cả ba kịch bản, sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh sẽ chấm dứt sự phục hồi kinh tế, do đó suy thoái trong nửa đầu năm 2020 ở Đức là khó tránh khỏi.
Trong kịch bản đầu tiên và được coi là có khả năng xảy ra nhất, các chuyên gia cho rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm 2020 có thể sẽ giảm 2,8% trước khi tăng trưởng 3,7% trong năm 2021.
Trong kịch bản thứ hai, kinh tế sẽ suy thoái hình chữ V (tốc độ suy thoái lớn, phục hồi nhanh) với sản suất quy mô lớn bị đình trệ hoặc phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp về chính sách y tế trong một thời gian dài. Trên cơ sở sụt giảm mạnh hơn trong nửa đầu năm nay, GDP của Đức trong cả năm 2020 có thể giảm 5,4% và phục hồi với mức tăng 4,9% trong năm 2021.
Trong kịch bản thứ ba với kiểu suy thoái hình chữ U (phục hồi chậm), khi các biện pháp về chính sách y tế kéo dài qua mùa Hè, nền kinh tế Đức phải đến năm 2021 mới có thể phục hồi, theo đó GDP có thể giảm 4,5% trong năm nay song chỉ tăng 1% vào năm tới.
Các chuyên gia kinh tế cho biết việc bảo vệ sức khỏe người dân phải là ưu tiên, nhấn mạnh điều kiện để đạt tăng trưởng trở lại là kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh để đời sống kinh tế và xã hội sớm trở lại bình thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!