Tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu

VTV Digital-Thứ hai, ngày 20/11/2023 16:09 GMT+7

VTV.vn - Dịch chuyển chuỗi cung ứng đang được xem là một chiến lược tái cân bằng mới các tập đoàn đa quốc gia bắt buộc phải lựa chọn.

Dịch chuyển chuỗi cung ứng - cụm từ liên tục xuất hiện trong 5 năm trở lại đây, kể từ khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát. Tuy nhiên COVID-19, các cuộc xung đột địa chính trị tại Ukraine hay Dải Gaza bất ngờ nổ ra, các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lúc này mới thấy rõ, sự rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng đang tăng lên mức cao nhất. Thực tế này buộc họ phải đi đến quyết định "dịch chuyển chuỗi cung ứng".

Bên lề Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 tuần qua, PwC - 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới đã ra mắt ấn phẩm "Chuỗi cung ứng toàn cầu: Cuộc đua tái cân bằng".

Báo cáo cho biết, 43% CEO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 41% CEO toàn cầu được khảo sát chia sẻ doanh nghiệp họ sẽ ưu tiên dịch chuyển chuỗi cung ứng trước những rủi ro gián đoạn sản xuất thời điểm này.

Điểm đặc biệt, phần lớn CEO của các doanh nghiệp có giá trị trên 5 tỷ USD đều lạc quan rằng, chấp nhận sự gián đoạn chuỗi cung ứng lại là cơ hội để chuyển đổi hoạt động, khám phá các chiến lược mới, phát triển mạnh mẽ hơn, thúc đẩy khả năng thích ứng và tăng trưởng khi đối mặt với sự không chắc chắn.

Cuộc đua tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu

Vậy trong cuộc chạy đua tái cân bằng chuỗi cung ứng và tìm kiếm nhà cung cấp, địa điểm và nhân tài mới, đâu là những yếu tố mà các doanh nghiệp sẽ xem xét khi lựa chọn "vùng đất mới" để đặt chuỗi cung ứng của mình? Việt Nam liệu có thể trở thành một ứng cử viên trong cuộc cạnh tranh định hình chuỗi cung ứng mới này?

Báo cáo của PwC chỉ ra, để di dời một nhà máy trong chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất toàn cầu sẽ phải xem xét, so sánh nhiều yếu tố. Thuế không còn tiêu chí ưu tiên khi quy định thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng từ đầu năm sau.

Tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Để di dời một nhà máy trong chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất toàn cầu sẽ phải xem xét, so sánh nhiều yếu tố. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Hiện 3 tiêu chí quan trọng nhất là Kỹ năng - Cơ sở hạ tầng - Quy mô lực lượng lao động. Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan đang là những địa điểm tiềm năng nhất.

Tuy nhiên vẫn có sự đánh đổi ở đây, dù Malaysia được đánh giá tương đối cao về kỹ năng và cơ sở hạ tầng nhưng xét về lực lượng lao động và chi phí của nước này lại bị xếp sau Indonesia và Việt Nam tại ASEAN.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã Hội, Quản trị) cũng đang được xem là tiêu chí mới không thể bỏ qua.

"Rất nhiều quốc gia đã đưa ra điều kiện về ESG, đơn giản là về nguyên vật liệu, yêu cầu về thu hồi. Châu Âu đã đưa ra nhiều quy định với 6 nhóm ngành, nếu không đạt được tiêu chí cơ bản về giảm thiểu carbon, sẽ bị áp thuế rất cao", bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, cho biết.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không thể đáp ứng các kỳ vọng và quy tắc ESG nghiêm ngặt của người mua toàn cầu, như Net Zero, trách nhiệm xã hội…, các nhà cung cấp sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng mới đang được doanh nghiệp thiết lập.

Vậy Việt Nam đang ở đâu và có được hưởng lợi trong cuộc đua tái cân bằng mới này của chuỗi cung ứng toàn cầu?

"Chúng ta được hưởng lợi, nhưng không nhiều như chúng ta mong muốn. Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam so sánh với Malaysia, Thái Lan, Indonesia thì thực sự phần chúng ta thu được không lớn đến mức chúng ta có thể. Đầu tư chúng ta thu được chủ yếu là ở phần lao động. Giá trị gia tăng cao thì đầu tư không vào chúng ta. Ngoài chuyển đổi về số lượng, chúng ta cần xem về chất lượng", bà Đinh Thị Quỳnh Vân nhận định.

Báo cáo của PwC cũng cho rằng, đây là thời điểm "vàng" chuyển giao từ phục hồi sang tăng trưởng. Do vậy sự dịch chuyển hay tái cân bằng chuỗi cung ứng là sự cần thiết, dù có những rủi ro đi kèm.

Mỹ và EU cạnh tranh thu hút dịch chuyển chuỗi cung ứng

Rõ ràng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang được xem là một chiến lược tái cân bằng mới các tập đoàn đa quốc gia bắt buộc phải lựa chọn. Tuy nhiên châu Á - Thái Bình Dương cũng chỉ là một điểm đến bên cạnh những vị trí đặt nhà máy khác có thể kể đến như là quay trở lại quốc gia đặt trụ sở chính - chiến lược Reshoring hay Near-shoring - đặt cơ sở sản xuất gần quốc gia mình; Friend-shoring - đặt tại những quốc gia đối tác.

Để giúp doanh nghiệp có thể tái cân bằng chuỗi cung ứng một cách nhanh nhất, cả Mỹ và châu Âu đều đã có những đạo luật hay ưu đãi đi kèm.

Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 tại Mỹ đang cung cấp những khoản trợ cấp lớn và giảm thuế để các công ty thuộc các lĩnh vực trọng yếu, ví dụ như năng lượng xanh, công nghệ sạch… có thể chuyển địa điểm sản xuất về quốc gia này.

Thực tế, các tập đoàn lớn như TSMC, Intel và Samsung đã thông báo kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá hàng tỷ USD tại đây và hơn 20 nhà máy sản xuất xe điện dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2026.

Còn với khu vực châu Âu, chiến lược "Near-shoring" đang được thúc đẩy thông qua hàng loạt ưu đãi hợp tác với các quốc gia Đông Âu nhằm tận dụng lợi thế về nguồn nhân công lớn và giá rẻ, qua đó giúp các doanh nghiệp châu Âu xây dựng nhà máy cần thâm dụng lao động.

Như vậy cuộc cạnh tranh trở thành điểm đến mới trong lần dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu lần này sẽ rất quyết liệt. Để giành chiến thắng thì các các nhà cung ứng hay một quốc gia cần hội tụ đủ các yếu tố về chi phí, về hệ sinh thái đi kèm hay sử dụng các công nghệ tiên tiến và tích hợp ESG.

Các nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng Các nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng

VTV.vn - Từ ngày 13 - 15/9, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước