Tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, mở ra không gian phát triển mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh - đó là những lợi ích mà dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể mang lại. Dự án đã được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ 350km/h.
Đầu tư cho đường sắt tốc độ cao được xem là đầu tư cho tương lai. Bởi sẽ không chỉ là bài toán của 1 đoàn tàu 1 tuyến đường sắt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, mà nó còn tác động đến nhiều vùng kinh tế trọng điểm khi đường sắt tốc độ cao đi qua.
Theo kinh nghiệm quốc tế, Nhật Bản bắt đầu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên khi GDP đầu người mới chỉ khoảng 250 USD. Còn Trung Quốc là hơn 1.700 USD, Indonesia là khoảng 3.300 đô khi tham gia "cuộc chơi" này. Trong khi năm ngoái, GDP đầu người của Việt Nam đã ở mức gần 4.300 USD.
Ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Chưa bao giờ nó trở nên cấp thiết như hiện nay. Việc đầu tư dự án đã được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng và việc đầu tư này là hiện thực hoá chỉ đạo của Đảng, hiện thực hóa tổng thể quy hoạch quốc gia".
Hoạt động vận tải của Việt Nam hiện nay đang trái quy luật và méo mó khi hàng không phải bay chặng ngắn, còn đường bộ lại gánh chặng dài. Do đó, cần có tàu đường sắt tốc độ để đảm nhận vai trò lấp "khoảng hổng" này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!