Ảnh minh họa.
Mặc dù chỉ số PMI tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước đó nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đang được cải thiện mạnh mẽ.
Cụ thể, cả sản lượng hàng hoá và số lượng đơn hàng mới đều tiếp tục tăng đáng kể vào cuối quý II vừa qua, đặc biệt ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng do không bị gián đoạn bởi đại dịch. Trong khi đó, số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng nhanh hơn, với mức tăng nhanh nhất trong 4 tháng dù đối mặt với nhiều khó khăn ở khâu vận chuyển.
Báo cáo của S&P Global cũng cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới tăng, khuyến khích các nhà sản xuất tiếp tục tăng cường thu hút lực lượng lao động trong tháng 6.
Số lượng nhân viên tăng giúp các công ty giải quyết tốt khối lượng công việc, từ đó lượng công việc tồn đọng ghi nhận giảm lần thứ hai trong 3 tháng. Trong khi đó, việc chuyển các mặt hàng thành phẩm cho khách hàng đã làm hàng tồn kho sau sản xuất tiếp tục giảm trong tháng 6.
Nhận định về chỉ số PMI của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay: "Ngành sản xuất của Việt Nam kết thúc nửa đầu năm 2022 với tình trạng sức khỏe tốt, và các công ty cảm thấy đại dịch đã qua đi và họ có thể có thêm nhiều số lượng đơn đặt hàng mới".
"Điểm tích cực chính từ khảo sát PMI lần này là việc làm, khi chỉ số này tăng với tốc độ nhanh nhất trong ba năm rưỡi. Điều này cho thấy những khó khăn mà các công ty gặp phải trong việc tuyển nhân viên hồi đầu năm đã giảm bớt, điều này cũng có nghĩa các nhà sản xuất có thể đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của khách hàng và giải quyết được khối lượng công việc", ông Andrew Harker thông tin thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!