Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 10%, tất cả các kênh bán lẻ hiện đại đều cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, đây hai trong số những mục tiêu nổi bật trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 mà Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua.
Đề án này hứa hẹn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (hay còn gọi là Fintech) phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Với vai trò là trung gian giữa ngân hàng và người dân, các start up Fintech đang đi những bước đầu tiên trong việc thay đổi diện mạo của thanh toán, quản lý tài chính tại Việt Nam.
Chỉ bằng cái chạm tay trên điện thoại thông minh hay cú click chuột, người dùng đã có thể giải quyết những công việc vốn phức tạp, như vay tiêu dùng hay làm thẻ tín dụng, nhờ vào dịch vụ của dự án khởi nghiệp này.
Theo thống kê của tổ chức Topica, công nghệ tài chính hiện đứng thứ 3 trong số các lĩnh vực khởi nghiệp được rót vốn nhiều nhất, tạo ra nhiều cơ hội để các start up Fintech tận dụng chéo được thế mạnh của nhau.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất của start up công nghệ tài chính là việc gây dựng được niềm tin từ phía khách hàng và đối tác, bởi không như các lĩnh vực khác, làm Fintech nghĩa là động chạm trực tiếp vào túi tiền và kế hoạch tài chính của khách hàng.
Năm 2016 vừa qua được đánh giá là một năm khởi sắc của các start up công nghệ tài chính trong khu vực châu Á. Với các thương vụ gọi vốn có giá trị kỷ lục lên đến 4,5 tỷ USD. Và tại Việt nam, đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt có thể xem là tín hiệu đầu tiên hứa hẹn mở ra sân chơi còn nhiều dư địa cho các start up Fintech Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!