Sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/05/2024 10:15 GMT+7

VTV.vn - Đề xuất để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ 1/7 tới, yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là hệ thống Nghị định, Thông tư, Văn bản hướng dẫn luật phải đảm bảo tiến độ xây dựng.

Đề xuất để Luật Đất đai có hiệu lực sớm trước thời hạn từ 1/7 tới, thay vì 1/1/2025 được nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm. Để đạt mục tiêu này, yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là hệ thống các Nghị định, Thông tư, Văn bản hướng dẫn luật phải đảm bảo tiến độ xây dựng và chất lượng phản ánh được chính xác tinh thần của Luật. Trên cơ sở đó có thể triển khai đồng bộ, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai và hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Giống nhiều hộ gia đình trong thôn, bà Thuyết cũng được nhiều người từ địa phương khác đến hỏi mua lại quyền sử dụng 2 sào ruộng. Dù biết đã có một số hộ gia đình trong thôn nhượng 1 sào ruộng với giá 360 triệu đồng, bà vẫn kiên quyết chờ đợi Luật Đất đai mới có hiệu lực.

"360 triệu cũng đông người hỏi mua. Ở đây bây giờ cũng đông người đến hỏi mua đất đai của chúng tôi đất ruộng của chúng tôi nhưng chúng tôi không bán, chúng tôi cũng muốn chờ Luật Đất đai của nhà nước", bà Nguyễn Thị Thuyết - Thôn Phương Bản, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội chia sẻ.

Với bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều nút thắt từ luật cũ thì rõ ràng lúc này cần có sự đột phá khẩn trương của những người làm công tác xây dựng thể chế.

"Nếu mà chúng ta làm được trước từ 1/7 năm nay thì nó sẽ là 1 cú hích để cho GDP của 2024 tăng trưởng. Năm nay chúng ta đề ra mức 6.5%, nếu mà Luật Đất đai tốt thì tôi nghĩ nó còn hơn thế. Phát triển vượt cái chỉ tiêu Quốc hội đề ra, và tạo đà cho năm, việc đưa vào áp dụng đời sống thực tế càng nhanh càng tốt nhưng chúng ta không thể vội để nó ảnh hưởng đến chất lượng", ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh việc mong chờ luật có hiệu lực sớm cũng vẫn còn nhiều e ngại khi thời gian soạn thảo hệ thống văn bản hướng dẫn Luật bị rút ngắn. Thông thường với các Bộ luật sau khi được thông qua sẽ có thêm 1 năm mới có hiệu lực thi hành, mục đích là để Chính phủ và các Bộ ngành liên quan có đủ thời gian soạn thảo, ban hành các Văn bản hướng dẫn chi tiết. Riêng với Luật Đất đai còn phải đồng bộ với các luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, và trực tiếp ảnh hưởng tới hàng trăm bộ luật khác.

"Trong khoảng thời gian khoảng 4-5 tháng, thì những Nghị định, Thông tư ấy hướng dẫn như thế nào để đảm bảo chi tiết, thì chúng tôi cho đây là 1 vấn đề hết sức khó khăn", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Nếu chúng ta không cẩn trọng thì có thể những cái điểm chúng ta đã mở ra thì Nghị định có khi lại bị khóa lại, hoặc thậm chí không cẩn trọng mà có các cái sai lầm thì có thể sẽ không thể nào gỡ bỏ được".

Mong chờ Luật sớm có hiệu lực nhưng quan trọng hơn là chất lượng thực thi. Vì vậy, rất cần sự thận trọng và tập trung của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước liên quan vào xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Đất đai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước