Sôi động mua - bán nợ xấu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 14/09/2017 10:49 GMT+7

VTV.vn - Theo ghi nhận của một số tờ báo, hiện nay, nhiều chợ nợ xấu đang rất sôi động, theo hướng thuận mua vừa bán.

Đến nay đã tròn 1 tháng kể từ khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực. Trong vòng 1 tháng qua, tín hiệu mua bán nợ của thị trường đã nhen nhóm trở lại. Hiện tại, dù chưa có xác lập thị trường, nhưng tờ Người lao động đã ghi nhận nhiều chợ nợ xấu đang rất sôi động theo hướng thuận mua vừa bán.

Nghị quyết 42 cho phép mọi tổ chức và cá nhân đều được mua nợ xấu qua hình thức đấu giá công khai. Hình thức này được xem là một kênh đầu tư mới, khi tài sản đảm bảo là đất, nhà, xe được VAMC và các ngân hàng rao bán quyết liệt.

Lãi, lỗ bất thường hay ngân hàng sắp báo lãi nghìn tỷ từ nợ xấu là cách quan sát của báo giới dành cho ngân hàng, bởi một khoản nợ xấu được xử lý đã xác định ngân hàng lãi, lỗ bao nhiêu. Nếu thiệt hại thấp hơn lượng trích lập dự phòng nợ xấu thì hạch toán được luôn lợi nhuận bất thường sau khi bán nợ.

Ngoài ra, sau khi phá sản phải bán nợ, con nợ vẫn còn có thể thu về một khoản nhất định. Nghị quyết 42 cho phép ngân hàng bán tài sản dưới giá trị khoản vay nên ngân hàng và con nợ dễ chốt giá. Thêm vào đó, ai cũng mua được nợ nên nếu tài sản hấp dẫn thì đấu giá càng đông, giá chốt cao hơn rất nhiều giá khởi điểm. Lợi cả đôi đường, mua bán nhanh gọn bằng tiền tươi thóc thật nhưng đó chưa được gọi là thị trường nợ xấu.

Tờ Đầu tư chứng khoán có bài "Bao giờ có thị trường mua bán nợ?" cho rằng, nợ xấu phải được chứng khoán hóa, nghĩa là người mua không trực tiếp mua nợ, mà mua chứng khoán do ngân hàng phát hành và đảm bảo. Muốn có thị trường,ì ngân hàng nhà nước nên giữ vị trí chủ trì.

Đó không chỉ là chuyện của Ngân hàng Nhà nước. Theo Đầu tư chứng khoán, một nghị định khác ban hành vào năm 2016, Nghị định 69 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ lại quy định vai trò quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng cho Bộ Tài chính, thế nhưng đến giờ vẫn chưa có động thái gì.

Nghị quyết 42 được xem là mang sứ mệnh xử lý nhanh nợ xấu và hơn hết, ngân hàng và các tổ chức tín dụng là bên được thụ hưởng nhất. Dù mới chỉ là tín hiệu của một thị trường, nhưng nghị quyết này cùng với việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn cho các ngân hàng đang tạo đà tăng trưởng rất thuận lợi trong thời gian tới, đặc biệt với các ngân hàng có tỷ lệ an toàn tài chính tốt nhờ sớm trích lập khoản dự phòng rủi ro.

Nghị quyết 42 - Chìa khóa 'gỡ mìn' xử lý nợ xấu Nghị quyết 42 - Chìa khóa "gỡ mìn" xử lý nợ xấu

VTV.vn - Với nghị quyết này, VAMC được phép tự thu hồi tài sản đảm bảo để xử lý nợ theo quy định của pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước