Elon Musk khai trương nhà máy xe điện 5 tỷ Euro ở Đức
Theo CNBC, Elon Musk đã chính thức khai trương có sở sản xuất của Tesla ở châu Âu (nhà máy Giga Berlin). Với trị giá 5,5 tỷ Euro, siêu nhà máy của Tesla tại Brandenburg là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử hiện đại của ngành sản xuất ô tô Đức.
Một khi đi vào hoạt động đủ công suất, nhà máy dự kiến sẽ sử dụng 12 nghìn lao động và sản xuất 500 nghìn xe mỗi năm, cao hơn con số 450 nghìn xe điện mà đối thủ Volkswagen đã bán trên toàn cầu trong năm 2021 và tạo ra 50 gigawatts/giờ điện pin, vượt qua mọi nhà máy khác tại Đức.
Tesla kỳ vọng nhà máy mới sẽ giúp hãng giành lại ưu thế tại châu Âu - nơi Tesla chỉ nắm giữ 13% thị phần, so với mức 25% của Volkswagen.
Động thái của Tesla đã hâm nóng cuộc chạy đua xe điện hiện nay trên toàn cầu. Chỉ ít ngày sau khi nhà máy của Tesla ra mắt, Volkswagen đã thông báo sẽ đầu tư hơn 7 tỷ Euro để phát triển trung tâm xe điện và nhà máy sản xuất pin tại Valencia, Tây Ban Nha.
Trước đó, hãng xe Ford của Mỹ đã công bố kế hoạch sản xuất 1,2 triệu xe điện tại châu Âu trong vòng 6 năm tới, trong khi nhiều công ty của Trung Quốc như BYD, Xpeng cũng đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường này.
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk phát biểu tại buổi ra mắt nhà máy sản xuất xe điện Giga Berlin và bàn giao cho khách hàng mẫu xe Model Y.
Nhà sản xuất phụ tùng ô tô đón đầu xu hướng xe điện
Trong 2 năm trở lại đây, châu Âu đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chiếm tới 16% thị phần toàn cầu. Năm 2021 cũng được xem là năm của xe ô tô điện tại châu Âu bởi cứ 3 ô tô bán ra tại đây, lại có 1 xe chạy điện.
Các chính sách ưu đãi của EU được coi là động lực chính cho sự bùng nổ này. Tháng 7/2021, Ủy ban châu Âu đề xuất từ nay đến năm 2035, EU sẽ tiến tới cấm bán mới các loại ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel. Nhiều chương trình ưu đãi thuế cho người mua cũng đã được triển khai.
Để thúc đẩy doanh số xe điện, EU yêu cầu các nước phải lắp đặt các trạm sạc công cộng theo tiêu chí cứ 60km trên đường lớn phải có 1 trạm sạc. Dự tính châu Âu sẽ chi 80 - 120 tỷ Euro vào hạ tầng sạc tư nhân và công cộng tính đến năm 2040.
Với những điều kiện thuận lợi như vậy, việc các hãng xe đẩy mạnh đầu tư sản xuất xe điện tại châu Âu là chuyện dễ hiểu. Không chỉ các hãng xe, nhiều công ty cung cấp phụ tùng cho xe động cơ đốt trong, giờ đây cũng đang dần dịch chuyển, để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua xe điện.
Nói tới cuộc chạy đua phát triển xe điện, người ta sẽ thường nghĩ tới những tên tuổi nổi bật như Tesla, Ford hay Volkswagen. Nhưng thực tế, cuộc đua này còn có những cái tên khác không kém phần quan trọng. TE Connectivity là một ví dụ. Dù không sản xuất chiếc xe nào, nhưng tập đoàn này lại là một trong những đối tác hàng đầu, chuyên cung cấp các linh kiện như đầu kết nối và cảm biến điện trong toàn bộ kết cấu ô tô.
Hiểu rõ xu thế thị trường, linh kiện cho xe chạy điện cũng đang trở thành ưu tiên của hãng những năm gần đây.
Ông Matthisa Lechner - Giám đốc khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, TE Connectivity cho hay: "Điều quan trọng nhất với động cơ điện là phải kiểm soát được dòng điện và điện áp cao. Chúng tôi là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này và đang phát triển những linh kiện chuyên biệt đảm bảo tính an toàn và công suất cho xe".
Với TE, đây là một bước chuyển cấp thiết bởi ngành ô tô chiếm tới 40% tổng doanh thu của hãng. Các tên tuổi khác trong lĩnh vực phụ tùng điện như Sensata và Amphenol đều đang tăng cường hợp tác với các hãng ô tô để phát triển thế hệ linh kiện mới đặc thù cho xe điện, gia tăng giá trị trong thị trường giàu tiềm năng này.
Trong 2 năm trở lại đây, châu Âu đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. (Ảnh minh họa: transportenvironment)
Quay lại với TE, từ năm 2020, hãng đã bỏ ra 120 triệu USD cho một đơn vị chuyên nghiên cứu và chế tạo linh kiện xe điện.
"Toàn bộ ngành công nghiệp ô tô đều đang chóng mặt trong cuộc chuyển đổi và chúng tôi cũng vậy, bởi xe điện ngày càng nhiều, đòi hỏi các linh kiện cũng ngày càng phức tạp hơn với số lượng lớn hơn. Chẳng hạn trên xe xăng chỉ cần 5 bộ phận, xe điện cần tới 50", ông Matthias Lechner cho hay.
Thị trường linh kiện ô tô tại châu Âu được dự báo sẽ chạm ngưỡng 330 tỷ Euro, gấp 1,5 lần so với hiện nay vào năm 2030. Trong đó, chiếm phần chủ đạo sẽ là các linh kiện và phần mềm cho xe điện.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ nhờ sự vào cuộc hỗ trợ của các đối tác linh kiện, nhiều ông lớn ngành ô tô mới có thể đạt các mục tiêu cam kết về "điện hóa" các dòng xe của mình trong những năm tới.
Cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu pin xe điện
Có thể thấy thị trường xe điện châu Âu đang phát triển rất mạnh mẽ và sôi động. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, dư luận đang đề cập nhiều đến một cuộc khủng hoảng mới có thể cản bước sự phát triển đó cuộc khủng hoảng giá niken.
Giá niken - thành phần quan trọng trong việc sản xuất pin ô tô điện, đã tăng vọt trong thời gian qua, có thời điểm lên mức không tưởng là 100 nghìn USD/tấn do những bất ổn địa chính trị. Điều này buộc các nhà sản xuất xe điện hoạt động tại châu Âu phải tiến hành một cuộc chạy đua khác, cũng không kém phần quyết liệt để đảm bảo nguồn cung niken cho những chiếc xe của mình.
Từ nhiều năm qua, Tesla đã là công ty đi đầu trong việc đầu tư, xây dựng nguồn cung cấp niken độc lập thông qua quan hệ đối tác với nhiều công ty khai thác và sản xuất niken. Hãng cũng chú trọng vào việc sản xuất các loại pin có hiệu suất lớn, chi phí sản xuất rẻ và có vòng đời dài hơn các mẫu pin hiện nay, đồng thời khởi động chương trình tái chế các loại pin làm từ niken của mình.
Do vậy, dù không miễn nhiễm trước những tác động của thị trường, Tesla được cho là có nguồn lực tốt hơn cả để ứng phó với khủng hoảng hiện nay.
"Giá nguyên liệu cao hơn đang khiến việc giao hàng của các hãng xe điện bị chậm lại. Tesla đang dẫn đầu thị trường và tình hình hiện nay có thể giúp họ có nhiều lợi thế hơn các đối thủ trong ngắn hạn", ông Tien Wong - Nhà sáng lập Diễn đàn khởi nghiệp Connectpreneur cho hay.
Các đối thủ của Tesla dĩ nhiên cũng không ngồi yên. Volkswagen mới đây đã công bố một liên doanh với các nhà cung cấp Trung Quốc để duy trì nguồn cung cấp kim loại, trong khi Ford tiến hành bước đi tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong dài hạn, ngành ô tô điện châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ châu Á đang cố gắng tự chủ nguồn cung.
Ông Fredrik Hedlund - Giám đốc điều hành công ty pin xe điện Northvolt Ett, Thụy Điển cho biết: "Với quy mô nhu cầu tại châu Âu thời điểm hiện nay, rõ ràng là chúng tôi cần một chuỗi cung ứng tại chỗ. Việc không phụ thuộc vào các khu vực khác như châu Á đóng vai trò rất quan trọng về mặt chiến lược".
Bên cạnh việc khai thác các kim loại trong tự nhiên, việc tái chế để đảm bảo tính bền vững cũng là ưu tiên hàng đầu.
"Thách thức lớn nhất là kiếm đủ nguyên liệu, bởi sẽ có sự cạnh tranh rất lớn. Bên cạnh việc khai thác mỏ, chúng ta sẽ cần phải tái chế các bộ pin đã qua sử dụng", bà Martina Petranikova - Phó giáo sư, Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển cho biết.
Ông Fredrik Hedlund - Giám đốc điều hành công ty pin xe điện Northvolt Ett, Thụy Điển cho biết: "Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 50% lượng kim loại đã sử dụng thực sự được tái chế. Cần điều chỉnh từ hoạt động sản xuất đến toàn bộ chuỗi cung ứng, để đảm bảo việc sản xuất các loại pin thân thiện nhất với môi trường".
Hiện ít nhất 25 siêu nhà máy đã được lên kế hoạch thiết lập trên khắp châu Âu, bao gồm cả cơ sở vừa ra mắt của Tesla. Liên minh châu Âu đang hướng tới mục tiêu nâng thị phần pin xe điện của khối trên toàn cầu từ mức 6% hiện nay lên 16% vào năm 2029.
Có thể thấy, những căng thẳng địa chính trị hiện nay giữa Nga và Ucraina đang gây sức ép lớn lên lên giá xăng, dầu thế giới. Thùng dầu vẫn đang chi phối kinh tế thế giới và để giảm dần sự phụ thuộc này, phát triển xe điện là một giải pháp mang tính bền vững. Dự báo cuộc chạy đua trên thị trường xe điện tại châu Âu sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm nay khi đối thủ Tesla đã thực sự tăng tốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!