Tại châu Âu có một thị trường nông sản quy mô nhỏ nhưng có biên độ lợi nhuận lớn, đó là thị trường "siêu thực phẩm". "Siêu thực phẩm" là một cách nói để quảng bá cho các nông sản hiếm và lạ, được cho rất tốt cho sức khỏe.
Trên thị trường châu Âu, đang lên ngôi lúc này là quả cây cọ acai từ Nam Mỹ, giống quả sim, được mô tả chứa nhiều chất chống oxy hoá, nhiều vitamin, khoáng chất và nguyên tố vi lượng, ăn vào rất tốt. Một tờ báo của Ireland viết: "Giống như với hạt quinoa trước đây, quả acai đang trở thành trào lưu mới đối với những người có ý thức giữ gìn sức khỏe". Được biết, loại quả này còn giúp giảm béo, nên giá bán không rẻ, khoảng 4,3 triệu đồng/kg.
Quả acai là một trong số các "siêu thực phẩm" trên thị trường châu Âu, bên cạnh hạt chia, hạt quinoa, từ châu Mỹ; hạt củ khởi, cùi dừa, hay quả lêkima, từ châu Á; ngoài ra là một số củ quả khác có tên gọi khó đọc. Một tờ tạp chí của Bỉ viết: "Mỗi loại siêu thực phẩm đều có yếu tố nào đó lạ lẫm hay gắn một giai thoại nào đó, nhờ đó mà có thể bán được. Khách hàng phải trả tiền cho cái lạ đó". Theo bài báo, các "siêu thực phẩm" này "được bán với giá siêu cao, đôi khi tới 150 Euro/kg, biên độ lợi nhuận rất lớn, mà lại chiếm chỗ rất là ít" trên giá hàng trong siêu thị.
Các "siêu thực phẩm" có thực sự tốt cho sức khỏe đến mức ấy không, là câu hỏi của một số báo. Một bài có tiêu đề "Truyền thuyết về các thực phẩm kỳ diệu" trên tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha khẳng định thẳng thừng là không.
Bài báo viết: "Trong mỗi loại thực phẩm đều có các thành phần tốt và không tốt", và nhấn mạnh: "Các siêu thực phẩm được cho là tốt cho dinh dưỡng, sức khỏe đều nhập khẩu từ các nước rất xa châu Âu, giá đắt và hoàn toàn không cần thiết".
Yếu tố lạ là mấu chốt của thị trường này. Ở Việt Nam, ít ai để ý tới quả lêkima (quả trứng gà), thế nhưng ở châu Âu một kg bột quả lêkima được bán với giá tới 1,2 triệu đồng.
Bài "Thực phẩm tốt là thực phẩm gần nhà" của một tờ báo Đức viết: "Chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng vượt trội của "siêu thực phẩm"". Các thực phẩm đó rất tốt nhưng cũng chỉ tốt như những gì mà địa phương cũng có. Tờ báo đưa ra so sánh, với dẫn chứng về hàm lượng từng thành tố để chứng minh mỗi "siêu thực phẩm" cũng chỉ như một loại rau quả nào đó mà ở Đức cũng trồng được, nhưng có giá bán thấp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!