Siết tín dụng, doanh nghiệp bất động sản có lao đao?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 06/03/2019 22:34 GMT+7

VTV.vn - Khi "hầu bao" của các ngân hàng dành cho bất động sản bị thu hẹp, doanh nghiệp buộc phải xoay xở tìm nguồn vốn khác để ổn định hoạt động.

Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

Cách đây 10 năm, tín dụng bất động sản chiếm tới khoảng 30% tổng dư nợ cho vay, phụ thuộc quá lớn vào hệ thống ngân hàng. Đây là yếu tố khiến thị trường rơi vào tình trạng bong bóng, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Thế nhưng, tính đến năm 2018, dư nợ cho vay bất động sản đã giảm xuống còn một nửa, chỉ còn chiếm 16,6% tổng dư nợ. Đây là kết quả của việc 3 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực này.

Từ đầu năm nay, các ngân hàng chỉ được dành 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Đồng nghĩa, nguồn vốn để dành cho các dự án bất động sản sẽ ít đi bởi cho vay bất động sản thường mất từ 5-10 năm.

Tuy một số ý kiến cho rằng, các ngân hàng chỉ siết vốn đối với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ ảnh hưởng tới các chủ đầu tư. Nhưng đại diện một sàn giao dịch lại cho biết, việc siết vốn ít nhiều ảnh hưởng tới người mua nhà, khi có khoảng hơn 30% khách hàng cần vay tiền ngân hàng. Giao dịch đã chậm lại từ nửa cuối năm ngoái.

Doanh nghiệp bất động sản tìm cách xoay xở vốn

Hiện nay, vốn vào doanh nghiệp bất động sản từ 3 nguồn: vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Khi "hầu bao" của các ngân hàng dành cho bất động sản bị thu hẹp, doanh nghiệp buộc phải tìm nguồn khác thay thế. Trong đó, nổi bật nhất là phương án huy động vốn thông qua kênh trái phiếu.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, cuộc chơi phát hành trái phiếu năm nay cũng không dễ dàng do phải cạnh tranh với kênh gửi tiền tiết kiệm bởi lãi suất tiền gửi ngân hàng đang tăng khá hấp dẫn. Do đó, để có một khoản lợi nhuận đủ để hấp dẫn nhà đầu tư mua trái phiếu cũng là một thách thức lớn với các doanh nghiệp bất động sản.

Một phương án khác cũng được các doanh nghiệp tính đến đó là chọn cách liên doanh với doanh nghiệp ngoại để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư dự án. Hàng loạt vụ "kết hôn" giữa doanh nghiệp nội và ngoại đình đám trên thị trường.

Việc siết tín dụng bất động sản là chủ trương của ngành ngân hàng ngay từ đầu năm. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động chuyển hướng mạnh mẽ để tìm kiếm nguồn vốn từ các kênh khác trong năm nay. Nhìn ở một khía cạnh khác, giới chuyên môn cho rằng, động thái siết vốn của các ngân hàng sẽ giúp thanh lọc khỏi thị trường những chủ đầu tư yếu kém. Bởi có không ít doanh nghiệp nguồn vốn hạn chế, lệ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân hàng và dùng các bản quy hoạch, đôi khi hoàn toàn là trên giấy để đi hút tiền của người dân, gây rủi ro rất lớn. Trong khi đó, nếu muốn tìm vốn qua các kênh khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì tự thân các doanh nghiệp phải đủ mạnh, nội lực phải vững mới có thể hút vốn từ kênh này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước