Siết chặt dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản năm 2022

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 28/12/2021 14:21 GMT+7

VTV.vn - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cần có những những chính sách quản lý chặt chẽ để kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Chia sẻ tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra vào sáng nay (28/12), Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến 22/12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, chưa đầy một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,58 điểm %, tương ứng với quy mô tín dụng được bơm thêm ra nền kinh tế là hơn 237.000 tỷ đồng

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong những ngày cuối năm, tăng trưởng tín dụng sẽ diễn biến tích cực hơn và dự kiến đạt khoảng 14%.

Siết chặt dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản năm 2022 - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Mục tiêu năm 2022, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%. Ông Tú nhấn mạnh đây chỉ là con số dự kiến. Mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể cao hơn hoặc thấp hơn bởi những nguy cơ từ yếu tố lạm phát. 

“Mục tiêu cao nhất của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô và ổn đinh lạm phát”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tú, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông. Ngoài ra là tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

“Với bất động sản, chứng khoán, trái phiếu của các doanh nghiệp đang có những biểu hiện chưa lành mạnh thì không những không tăng thêm vốn vào những lĩnh vực rủi ro đó, mà còn kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí sẽ thanh tra, giám sát một số khoản tín dụng có liên quan đến trái phiếu của một số doanh nghiệp phát hành mà chưa đảm bảo ngưỡng an toàn theo thời gian qua”, ông Tú cho biết.

Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh, vẫn sẽ tạo điều kiện ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực bất động sản nhà ở mà người dân thực sự có nhu cầu. Hay tín dụng phục vụ cho việc phát triển thị trường chứng khoán một cách lành mạnh. Còn bất động sản hay chứng khoán mang tính chất đầu cơ sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

“Dòng tiền khi đến thời hạn trả nợ có thể lại được quay vòng, thậm chí nếu không cẩn thận lại chảy vào bất động sản hay chứng khoán. Đây là một vấn đề không đơn giản trong tình hình hiện nay”, Phó Thống đốc Ngân hàng cảnh báo.

Nói thêm về vấn đề này, đại diện Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, năm 2021, tín dụng tiếp tục chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên là: Nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Cả 5 lĩnh vực đều đạt được mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2020. 

Vụ này cho biết 5 lĩnh vực ưu tiên đều là những trụ đỡ và động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có những định hướng giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng ưu tiên chảy vào 5 lĩnh vực này.

Nợ xấu dự báo tới 8,2%

Về nợ xấu, thông tin về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đây là một trong những thách thức đối với hệ thống trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu (gồm nợ bán cho VAMC) đã tăng lên 3,79%. Nếu xét đến các tác động của dịch, các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi), tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2% (cuối năm 2020 là 5,08%).

"Con số nợ xấu này không ai mong muốn nhưng do dịch bệnh, chúng ta cần nhìn nhận khách quán để cùng xử lý nợ xấu này, thậm chí tỷ lệ nợ xấu này còn có thể cao hơn dịch tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế trong thời gian tới", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Siết chặt dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản năm 2022 - Ảnh 2.

Theo Ngân hàng Nhà nước, COVID-19 đã khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 20/12/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng. Hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.

Cùng với đó là miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Tổng số tiền lãi lũy kế đến nay tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng

Ngoài ra, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước