Đây là chỉ đạo mới nhất của Tổng Cục Hải quan, trước tình trạng thiếu vỏ container trầm trọng cho xuất khẩu những tháng cuối năm.
Hiện có hơn 3.000 container hàng tồn đọng đang nằm tại các cảng, chủ yếu là cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) và cảng Hải Phòng. Đây là những container hàng các loại như hàng tiêu dùng, lốp xe... nhập khẩu đã quá 90 ngày mà chủ hàng không đến nhận. Thậm chí có container nhập về vài năm nay.
Tổng cục Hải quan cho biết đã đăng thông báo tìm chủ hàng, nếu quá thời hạn mà không có ai đến nhận thì sẽ tiến hành thanh lý để lấy nguồn hàng container rỗng phục vụ cho xuất khẩu.
Cũng theo Tổng Cục Hải quan, việc thanh lý hàng hóa vô chủ nhập khẩu phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam. Nguồn tiền thu được sẽ sung quỹ Ngân sách Nhà nước theo quy định.
Ngoài lô hàng tiêu dùng, đủ tiêu chuẩn nhập khẩu còn có các container hàng rác thải, phế thải gây ô nhiễm môi trường, không đủ điều kiện nhập khẩu. Cơ quan hải quan sẽ buộc hãng tàu phải tái xuất container rác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Dự báo việc thiếu hụt container rỗng sẽ còn kéo dài
Tuy nhiên theo đại diện Tổng cục Hải quan, đây chỉ là giải pháp tình thế, khó có thể trông chờ để làm giảm giá thuê vỏ container. Nguyên nhân là số container hàng vô chủ hiện nay tại cảng chủ yếu là hàng nhập lậu vi phạm, việc xử lý này sẽ mất rất nhiều thời gian, khó có thể kỳ vọng để phục vụ container cho doanh nghiệp xuất khẩu bởi 2/3 số container hàng tồn đọng phải xuất trả lại các nước đã xuất số hàng vi phạm sang Việt Nam.
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan vẫn sẽ tiến hành thanh lý các container vô chủ theo đúng quy định, lấy nguồn hàng giải quyết tạm thời tình trạng khan hiếm container rỗng. Bởi theo dự báo, việc thiếu vỏ container dự báo sẽ kéo dài đến hết quý I, thậm chí kéo dài quý II, III/2021 nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát.
Về tình hình khan hiếm vỏ container, theo đại diện các hãng tàu ở Việt Nam, vào thời điểm cận tết các năm trước cũng thường xảy ra tình trạng khan hiếm container rỗng do lượng hàng xuất khẩu tăng vọt. Tuy nhiên, tình trạng năm nay nghiêm trọng hơn rất nhiều và có thể kéo dài vào những tháng đầu năm 2021.
Một số doanh nghiệp cho biết, hiện giá thuê 1 container 40 feet đưa hàng sang châu Âu là 6.500 USD thay vì 2.000 USD như trước. Còn để đưa hàng sang Hàn Quốc, giá thuê container cũng đã lên gấp 3, tức gần 6.000 USD/container.
Chấp nhận trả phí cao gấp nhiều lần, song cũng không đủ container để đóng hàng, cước vận tải quốc tế tăng tương ứng 3 - 4 lần, doanh nghiệp phải đàm phán lại mức giá bán mới với nhà nhập khẩu. Giá thuê cao, nhiều doanh nghiệp cũng buộc phải giảm lượng hàng hóa xuất khẩu bởi càng xuất càng lỗ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!