Đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng thị phần
Bên cạnh việc xuất khẩu dưới dạng quả tươi, các doanh nghiệp đã và đang hướng đến chế biến sâu sầu riêng để gia tăng giá trị cho loại nông sản này.và có thêm cơ hội nâng cao thị phần, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp chú trọng đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, hướng đến xuất khẩu thịt sầu riêng, sầu riêng cấp đông để nâng cao giá trị kinh tế.
Hướng đến xuất khẩu thịt sầu riêng, sầu riêng cấp đông để nâng cao giá trị kinh tế.
Theo ông Lê Văn Thiệt - Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực tế cho thấy, xuất khẩu sầu riêng tươi có chi phí bảo quản và vận chuyển khá cao do đòi hỏi lịch trình vận chuyển ngắn hạn, điều kiện bảo quản khắt khe khiến lợi nhuận bị hạn chế. Đó là còn chưa kể đến nhiều rủi ro, hư hỏng trong quá trình xuất khẩu.
"Vì vậy, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang nghiên cứu tiêu chuẩn chế biến chuyên sâu, chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu múi sầu riêng cấp đông để giảm thiểu rủi ro, nâng cao giá trị kinh tế", ông Thiệt nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho hay, trái sầu riêng Việt xuất khẩu có rất nhiều thế mạnh so với các đối thủ, nhất là Thái Lan và chúng ta có thể tận dụng thế mạnh, biến thành cơ hội để nâng cao kim ngạch.
Trong đó, điển hình là "lệch mùa", ví như sầu riêng Đắk Lắk có vụ chính từ tháng 7 - 9, sau đó đến tỉnh Gia Lai, huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng). Những thời điểm này sai khác với vụ thu hoạch sầu riêng ở miền Tây Nam Bộ (từ tháng 3 - 5), và khá lệch so với sầu riêng Thái Lan vốn thu hoạch từ tháng 4 - 6 hằng năm. Lệch mùa thu hoạch sẽ tạo “khan hiếm” cục bộ ở dòng xuất khẩu chính của thị trường. Trên thực tế đây cũng chính là lý do để một nước xuất khẩu sầu riêng rất cạnh tranh như Thái Lan phải mua sầu riêng Việt Nam.
"Sầu riêng Việt có lợi thế lớn nhờ vào khả năng sản xuất sầu riêng trái vụ, điều mà Thái Lan chưa làm được", ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
Được biết, hiện các tình Tây Nguyên đang thương thảo xuất khẩu sầu riêng cấp đông chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Nếu đạt được thỏa thuận này, sầu riêng Việt sẽ có thêm nhiều hướng phân phối và thông qua đó đa dạng thị trường.
Không chỉ thế, khi chuyển dịch sầu riêng từ trái cây tươi sang cấp đông thì việc xuất khẩu vua trái cây này của những vùng trồng trọng điểm như Tây Nguyên sẽ mở rộng từ Trung Quốc đến Thái Lan. Nếu có thêm những loại hình sản phẩm chế biến cao cấp, thực phẩm chuyên biệt để đi vào châu Âu, Úc, Mỹ...
"Có thể thấy, tập trung chế biến chuyên sâu, xuất khẩu sầu riêng cấp đông là hướng đi đầy triển vọng, mở ra những cơ hội "vàng" cho trái sầu riêng Việt. Việc không còn bị lệ thuộc thời gian mùa vụ sẽ mang đến ưu thế cạnh tranh tuyệt vời cho loại trái cây vua này tại các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để làm tốt điều này cần sự chung tay vào cuộc của cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh và người nông dân để có được những hệ thống xe vận tải chuyên dụng, phối hợp tổ chức các dịch vụ logistics chất lượng, an toàn và bền vững hơn", Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định.
Tiếp tục không ngừng mở rộng thị trường mới
Hiện sầu riêng Việt Nam đang được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về diện tích, chưa đầy 10 năm, diện tích sầu riêng của Việt Nam đã tăng gần 5 lần. Hiện diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32.000ha năm 2015 lên hơn 150.000ha năm 2023, tương ứng với sản lượng sầu riêng tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.
Bên cạnh thị trường chủ đạo là Trung Quốc, hiện sầu riêng Việt Nam còn vươn rộng đến một số thị trường tiềm năng là Hàn Quốc, Asean và đặc biệt là đang hướng đến thị trưởng tỉ dân Ấn Độ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là hướng đi tất yếu bởi dù bất kỳ sản phẩm nào cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào thị trường duy nhất, sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, chúng ta đang kỳ vọng về việc mở rộng thị trường tiêu thụ sầu riêng sang Ấn Độ - một quốc gia có quy mô dân số tỉ dân.
"Việc mở cửa thị trường Ấn Độ là tin vui cho ngành sầu riêng Việt Nam, góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời còn mở ra triển vọng phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn tiêu thụ cho sầu riêng. Hiện chúng ta đã nộp hồ sơ và đang chờ đợi Ấn Độ xem xét ký nghị định thư để bắt đầu xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này", ông Thiệt nhấn mạnh.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, Ấn Độ là thị trường "dễ tính", không có các quy định quá khắt khe như Trung Quốc. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường là rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định vẫn là chất lượng sầu riêng Việt Nam. Để xuất khẩu bền vững và thu hút được nhiều thị trường tiềm năng trong tương lai, chúng ta cần chú trọng nâng cao chất lượng sầu riêng, kiểm soát chất lượng và vi sinh vật gây hại, quản lý các mã số vùng trồng để tránh vi phạm./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!