Sau 1.200 điểm, Vn-Index sẽ đi đâu, về đâu?

VTV Digital-Thứ ba, ngày 13/04/2021 06:09 GMT+7

VTV.vn-Trong khi chứng khoán khu vực châu Á ảm đạm, chứng khoán VN 12/4 đã có phiên giao dịch kỷ lục. Sau khi vượt đỉnh mọi thời đại, thị trường đang liên tục tìm các đỉnh cao mới.

Sắc xanh tràn ngập 3 sàn với tổng giá trị giao dịch lên tới hơn 24.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) ngày 12/4 có giá trị giao dịch kỷ lục lên tới hơn 21.500 tỷ đồng, dường như đã có sự giải tỏa nhất định về hệ thống để thị trường có thể đạt mức thanh khoản kể trên.

Sự trơn tru trong giao dịch ngày 12/4 khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Sở dĩ có điều này vì Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã có thêm một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật, giúp hệ thống giao dịch cải thiện về năng lực xử lý lệnh. Nhiều khả năng bây giờ giao dịch sẽ không chỉ còn tới 14.000 - 15.000 tỷ đồng là bị nghẽn nữa.

Sau 1.200 điểm, Vn-Index sẽ đi đâu, về đâu? - Ảnh 1.

HOSE có giải pháp kỹ thuật hạn chế nghẽn lệnh

Những bước tiến trong việc giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh rõ ràng là 1 tin vui và cũng đã phần nào giải quyết hiện tượng "tắc đường" đang diễn ra suốt 4 tháng nay, tuy nhiên giải pháp hôm nay vẫn chủ yếu mang tính kỹ thuật và chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Có thể thấy khi thanh khoản chạm tầm 20.000 tỷ là hệ thống HOSE lại hơi lag. Trước mắt, chúng ta vẫn sẽ cần giải pháp phối hợp xây hệ thống với FPT được triển khai đồng thời và đúng tiến độ. Kỳ vọng khi giải pháp này vận hành chính thức, tình trạng nghẽn lệnh sẽ được khắc phục hoàn toàn.

Những thay đổi nhỏ về hệ thống hôm 12/4 cho chúng ta thấy là nếu vấn đề nghẽn lệnh được giải quyết, thanh khoản và điểm số có thể bùng nổ như thế nào vì dòng tiền chờ được đầu tư lúc này đang sục sôi hơn bao giờ hết.

Việt Nam bước vào giai đoạn "vàng" của đầu tư chứng khoán

Tháng 3 chứng kiến nhiều kỷ lục, chưa bao giờ lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới nhiều như thế, chưa bao giờ nhà đầu tư cá nhân mua ròng nhiều như thế, thậm chí lấn át cả lượng bán ròng kỷ lục của khối ngoại.

Sau 1.200 điểm, Vn-Index sẽ đi đâu, về đâu? - Ảnh 2.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital – VFM, cho biết: "Khối ngoại không chỉ bán ròng trong quý 1 mà họ rút vốn ròng rã từ 2018 tới giờ. Lượng rút vốn trong 5 năm vừa qua đã lên tới gần 3 tỷ USD, không kể những giao dịch thỏa thuận. Tuy nhiên, TTCK của chúng ta vẫn tăng trưởng rất tốt. Điều đó có nghĩa là chúng ta không phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn ngoại nữa. Điều đó có nghĩa là TTCK của chúng ta đã có độ sâu hơn rất nhiều".

Theo ông Tuấn, dòng vốn ngoại bị rút ra mà thị trường chứng khoán không bị giảm, đó là tín hiệu rất tốt cho trung và dài hạn. Việt Nam đang ở cùng giai đoạn cách đây 10, 15 năm với Trung Quốc, Thái Lan. Một giai đoạn vàng để nhà đầu tư cá nhân bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán.

Theo lý thuyết đầu tư, một ngưỡng kháng cự mạnh khi vượt qua được sẽ trở thành một ngưỡng hỗ trợ khá vững chắc. Sau khi vượt qua 1.200 điểm, Vn-Index bây giờ đang ở trạng thái giao dịch không có đỉnh. Pyn Elite Fund quỹ đầu tư với quy mô khoảng 800 triệu USD còn nhận định VN-INDEX sẽ tăng lên mức 1.800 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư đừng quá hưng phấn vì chúng ta đều biết chứng khoán không bao giờ đi lên mãi theo 1 đường thẳng, có giảm thì mới có tăng.

Việt Nam đã sống trong thị trường giá lên được hơn 1 năm, sóng lên chưa kết thúc nhưng thực tế chúng ta đã bước vào sóng 5, 1 sóng tăng cuối trong chu kỳ tăng giá và kể cả trong thị trường đang lên không phải mua mã nào cũng có thể thắng.

Sau 1.200 điểm, Vn-Index sẽ đi đâu, về đâu? - Ảnh 3.

Sau đây là quan điểm đầu tư từ 1 số chuyên gia:

Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh CTCP Chứng khoán KBSV: Đầu tư thì chúng ta nên đầu tư các cổ phiếu dẫn đầu sẽ an toàn hơn, thị trường có tăng thì nó tăng mạnh hơn, có giảm thì nó giảm ít hơn, ngân hàng đang là nhóm có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn cả, có 1 số mã ngân hàng vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng sẽ còn tăng mạnh hơn cả ngân hàng lớn".

Ông Ngô Minh Tuấn, Chuyên gia Tư vấn Đầu tư: Tôi ước tính Vn-Index có thể lên tới 1.350-1.400 điểm là 1 cái đỉnh khá lớn tất nhiên nó không diễn ra ngay mà có thể 1 - 2 tháng tới. Khi mà tiền rẻ thì ngắn hạn vẫn tốt cho chứng khoán nhưng trong dài hạn, khả năng là cuối năm nay thì lạm phát rất lớn quay trở lại.

Trái phiếu Chính phủ chiếm hơn 71% tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán

Lạm phát tăng rõ ràng là Ngân hàng nhà nước sẽ phải có biện pháp tiền tệ để kiểm soát và đấy sẽ là tin không vui với chứng khoán. Thực tế theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, mức huy động vốn cho nền kinh tế quý 1/2021 qua thị trường chứng khoán tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, tương đương con số gần 56.000 tỷ đồng nhưng số tiền chảy vào doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh là không nhiều.

Trong quý 1, đã có 40 đợt đấu thầu Trái phiếu Chính phủ được tổ chức và huy động được hơn 39.000 tỷ đồng cho Kho bạc nhà nước. Như vây, có hơn 71% lượng tiền được huy động qua thị trường chứng khoán là vào thị trường trái phiếu chính phủ.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc cấp cao SK Việt Nam, nhận định: "Tôi cho rằng ở đây đa phần vào trái phiếu, đáng lẽ ra thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt là cơ hội tốt để các công ty phát hành tăng vốn, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua dường như các doanh nghiệp hơi chậm chân trong việc phát hành tăng vốn, điều đó cho thấy nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tăng trưởng chậm là không lớn".

Sau 1.200 điểm, Vn-Index sẽ đi đâu, về đâu? - Ảnh 4.

Không lớn, nhưng cũng đã có khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng được chảy vào các doanh nghiệp, hoặc là từ lợi nhuận giữ lại để trả cổ phiếu thưởng, hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu lên đến hàng chục phần trăm cũng có thể là phát hành mới để tăng vốn để trong năm 2021, đặc biệt như trong nhóm các ngân hàng

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết: "Ngành ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển hẳn nhiên sẽ cần vốn. Thêm nữa, ảnh hưởng dịch bệnh vẫn còn đó do vậy do vậy nhu cầu vốn còn đảm bảo bước đệm tốt hơn cho các ngân hàng".

Mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ở mức thấp, là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn từ ngân hàng. Nhưng liệu khi dòng tiền vào với doanh nghiệp rồi có phải 100% sẽ được vào sản xuất kinh doanh hay không hay được luân chuyển vào kênh đầu tư tài chính?

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết, nói: "Chúng ta không thể nói hoàn toàn không có dòng tiền đi ra các tài sản khác, đặc biệt khi kinh tế thế giới còn khó khăn, covid khiến nền kinh tế lớn đóng cửa. Tôi cho rằng không dưới 30% tiền vẫn vào các kênh tài sản đặc biệt là khi TTCK tăng trưởng cao và đem lại cơ hội.

Huy động vốn qua thị trường chứng khoán dù ở thị trường sơ cấp hay thị trường thứ cấp cũng là chức năng và cũng là mục tiêu cao nhất của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu dòng tiền không chảy vào sản xuất, kinh doanh mà tỷ lệ lớn để hưởng chênh lệch giá thì sẽ tiềm ẩn những rủi ro về bong bóng tài sản.

Biến động mạnh có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt tuần này Biến động mạnh có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt tuần này

VTV.vn - Theo một số chuyên gia, thị trường chứng khoán tuần này sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co, điều chỉnh tích lũy trong những phiên đầu tuần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước