Mỹ và Trung Quốc vừa chính thức áp loạt thuế mới lên hàng hóa của nhau kể từ đầu tháng 9. Việc tăng thuế đang gây áp lực lên chi phí sản xuất của các công ty đa quốc gia buộc họ phải tìm cách bù đắp. Hơn nữa, sự không chắc chắn về triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang gây khó khăn cho các nhà quản lý trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.
CNBC trích dẫn số liệu từ Viện Quản lý nguồn cung cho thấy ngành sản xuất của Mỹ đã sụt giảm lần đầu tiên trong 3 năm qua. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã tụt xuống 49,1% trong tháng 8. PMI là chỉ số đo lường sức khỏe của ngành sản xuất và khi chỉ số này giảm xuống dưới 50% là báo hiệu cho sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất của nền kinh tế.
Không chỉ tại Mỹ, ngành sản xuất tại nhiều quốc gia khác cũng đang lâm vào cảnh đình trệ. Theo Nhật báo phố Wall, đầu tư của các nhà sản xuất Nhật Bản đã giảm gần 7% trong quý II/2019 do các đơn hàng xuất sang Trung Quốc sụt giảm lên tới gần 2 con số. Cùng chung cảnh ngộ, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc cũng giảm hơn 20% trong tháng 8 vừa qua.
Tại châu Âu, tình trạng suy giảm sản xuất dễ nhận thấy nhất là tại Đức - đầu tàu xuất khẩu của châu lục và nhà cung cấp máy móc, thiết bị hàng đầu thế giới. CNN dẫn chứng số liệu từ cơ quan thống kê Đức cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm 0,1% trong quý II/2019 và dự báo sẽ tiếp tục lao dốc trong quý III/2019. Nếu Đức "hắt xì hơi" cả châu Âu sẽ bị "cảm lạnh".
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã bế tắc từ cuối tháng 5. Bất chấp các loạt thuế mới và Trung Quốc kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng thống Trump cho biết các quan chức thương mại hai nước vẫn sẽ gặp nhau trong tháng này. Tuy nhiên, dư luận cho rằng khả năng đạt được tiến triển trong đàm phán là không cao.
Nhật báo phố Wall trích dẫn đánh giá của một chuyên gia kinh tế tại Đại học Michigan cho rằng để thích ứng với việc tăng giá đã khó, nhưng còn khó hơn nữa khi doanh nghiệp không biết chắc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đi về đâu. Với các doanh nghiệp nhỏ, điều đó đồng nghĩa với việc họ phải thận trọng hơn trong kế hoạch đầu tư và tuyển dụng. Hoạt động sản xuất vì thế cũng lâm vào cảnh cầm chừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!