Sản xuất “thuận thiên” để nông sản đi xa

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 09/06/2024 13:18 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, thuận thiên đã được phát triển mạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Doanh nghiệp tìm đầu ra nông sản từ các hội chợ

Với xuất khẩu nông lâm thủy sản, 5 tháng vừa qua đã tăng trưởng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này là nhờ nỗ lực xúc tiến thương mại, mở cửa và khai thác các thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam. Trong đó, các hội chợ là một trong những hình thức xúc tiến tiêu thụ phổ biến. Vừa qua, nhiều hội chợ quốc tế đã được các doanh nghiệp Việt lựa chọn, để tìm cơ hội tiếp cận khách hàng và thị trường mới.

Những sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp như mứt trái cây, trái cây sấy, ống hút gạo, mì, nui đã có mặt tại Hội chợ ThaiFex. Sự kiện năm nay thu hút sự hơn 3.000 doanh nghiệp từ hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 160 công ty Việt Nam. Để thu hút khách hàng, doanh nghiệp Việt đã có những thay đổi.

"Bao bì sản phẩm rất hoành tráng, nhiều thông tin và tạo cho người dùng có cảm giác là muốn sử dụng ngay khi nhìn thấy bao bì", anh Huỳnh Lê Ngọc Viễn - Công ty TNHH Nông Trại 123 cho hay.

Sản xuất “thuận thiên” để nông sản đi xa - Ảnh 1.

Nhiều hội chợ quốc tế đã được các doanh nghiệp Việt lựa chọn, để tìm cơ hội tiếp cận khách hàng và thị trường mới.

Trái cây cuộn dù đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và nhiều nước, nhưng doanh nghiệp vẫn đến các hội chợ lớn để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Đây cũng là cách để cập nhật xu hướng tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Các Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát cho biết: "Đối với khách Trung Quốc họ quan tâm tới bao bì, các thành phần trái cây, thời hạn…".

Thị trường tỉ dân, cho nên nhu cầu là rất lớn. Một lợi thế nữa, đó là khoảng cách vận chuyển từ Việt Nam đến Trung Quốc tương đối thuận lợi hơn. Thêm vào đó là sau dịch COVID-19 nhu cầu về thực phẩm an toàn từ thị trường này ngày càng rộng.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: "Phải thay đổi suy nghĩ về thị trường này, đừng bao giờ chúng ta nghĩ đây là một thị trường dễ tính, làm hàng xấu hay tốt đều có người mua. Đây là lúc chúng ta sẽ phải định vị lại sản phẩm".

Đã có những đơn hàng giá trị được kí kết từ các hội chợ. Điều này cho thấy khả năng nắm bắt thị hiếu của khách hàng đã được các doanh nghiệp Việt nhận định chính xác. Đây sẽ là cơ hội để nông sản vườn nhà ngày một đi xa.

Các mô hình nông nghiệp thuận thiên được phát triển mạnh

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp về từ Hội chợ quốc tế vừa qua thì nông sản Việt, đặc biệt là các loại cây trái của Đồng bằng sông Cửu Long rất được ưa chuộng. Nhưng chất lượng vẫn là yêu cầu đầu tiên và sẽ dần trở nên khắt khe hơn khi tiến vào các thị trường lớn. Thực tế thời gian qua, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, thuận thiên đã được phát triển mạnh tại khu vực này. Đây sẽ là nền tảng cho một nền nông nghiệp chất lượng và giá trị.

Với 5.000 m2, anh Nguyễn Văn Phục (Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) chọn cho mình cách làm nông khác biệt đó là trồng nhiều loại cây theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, đồng thời loại bỏ hẳn phân, thuốc hóa học. Cỏ cũng được canh đến già để cắt, làm phân bón trở lại cho đất. Nhìn thì khu vườn có vẻ lộn xộn, nhưng từ cây tắc, ớt, ổi cho đến nhãn, tất cả đều mang lại thu nhập cao cho nhà vườn.

"Cây mình trái không đẹp hung nhe, nhưng chất lượng, khách khen thơm. Trồng rau cũng vậy, ớt cũng vậy, bán ra tới Huế luôn", anh Phục chia sẻ.

Cách đó không xa, ông Đặng Văn Vạn (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cũng đang thu hoạch lứa ớt trồng theo hướng hữu cơ. Nhờ sản phẩm chất lượng nên cùng lúc nào cũng không đủ cầu. Những trái ớt được doanh nghiệp đặt mua để chuyển lên TP Hồ Chí Minh, phân phối cho hơn 20 cửa hàng nông sản an toàn.

Sản xuất “thuận thiên” để nông sản đi xa - Ảnh 2.

Các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, thuận thiên được phát triển mạnh. Ảnh minh họa.

Anh Phục, ông Vạn là 2 trong 33 nông dân tham gia chương trình phát triển cộng đồng dựa trên tài nguyên bản địa thực hiện trên địa bàn Hậu Giang và TP Cần Thơ, với diện tích khoảng 30 ha. Nếu như Hậu Giang tập trung cho các loại nấm, rau củ, hạt thì huyện Phong Điền của TP Cần Thơ chiếm ưu thế với hơn chục loại trái cây vườn nhà như ổi, mít, sapo, vú sữa, chuối, ớt… Cứ vài ngày, vùng nguyên liệu này cung ứng cho thị trường từ 300 - 700kg nông sản theo hướng thuận thiên, chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - Xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết: "Sau một thời gian, không nhất thiết bán giá thật cao. Tới 3 - 5 năm nữa, dòng tiền hộ dân ổn, bán giá cao không là vấn đề nữa. Thị trường và người sản xuất sẽ dễ gặp nhau".

Anh Phục cho biết, thu hoạch được gần 200 kg tắc, bỏ túi hơn 2 triệu đồng. Mức thu nhập này vẫn đều đặn và cách nhau vài ngày. Làm nông thuận thiên chưa bao giờ khỏe như lúc này.

Tạo mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

Tư duy của nông dân và doanh nghiệp đã dần thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang tư duy thị trường. Việc cần làm bây giờ là mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp được bền chặt nhằm đưa nông sản đạt chuẩn đi xa.

Chị Lê Thanh Thủy - huyện Chợ Lách, Bến Tre cho biết: "Doanh nghiệp cũng nhờ hỗ trợ của chính quyền địa phương, những tổ chuyên môn của địa phương thì hỗ trợ cho nông dân về tập huấn và cán bộ kỹ thuật của công ty cũng hướng dẫn cho nông dân về sản phẩm nào lấy để xuất khẩu được, sản phẩm nào là không để cho người nông dân cải thiện cái vùng trồng về chất lượng để cho có nhiều sản phẩm để xuất khẩu hơn".

"Thông tin, diễn biến phức tạp của thị trường thì bà con cũng có tiếp cận nhiều và cũng có cân nhắc quyết định sản xuất. Chúng tôi khuyến cáo khi sản xuất phải gắn với thị trường, tránh tạo sốt nóng như một số nơi thời gian qua", ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho hay.

Chị Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: "Những thông tin thị trường từ Bộ Ngoại giao, Tham tán thương mại là quan trọng để có thể là cầu nối, thông tin để Bộ NN-PTNT qui hoạch lại nguyên liệu và đinh hướng lại cho sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn".

4 mặt hàng nông sản Việt Nam được thế giới ưa chuộng 4 mặt hàng nông sản Việt Nam được thế giới ưa chuộng

VTV.vn - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022 nhờ tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước