Sản xuất chậm do dịch bệnh, doanh nghiệp nguy cơ mất đơn hàng

Trịnh Huyền-Thứ ba, ngày 17/08/2021 17:10 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp như đang "ngồi trên đống lửa" khi sản xuất gặp khó khăn, khó đáp ứng đủ đơn hàng.

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến hoạt động xuất khẩu trong tháng 7 có phần chững lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng 6.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) dự báo kim ngạch xuất khẩu các ngành sản xuất như: ô tô, cơ khí, da giày… có thể sụt giảm mạnh những tháng tới.

Đông công nhân, không áp dụng được sản xuất "3 tại chỗ", nên 5 nhà máy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định hiện tại đều đã đóng cửa dù đơn hàng quốc tế với các hãng Zara, Converse... đã được ký đến hết tháng 12 năm nay.

Sản xuất chậm do dịch bệnh, doanh nghiệp nguy cơ mất đơn hàng - Ảnh 1.

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến hoạt động xuất khẩu trong tháng 7 có phần chững lại. (Ảnh minh họa: TTXVN)

"Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, đơn hàng sẽ không thực hiện được, hoặc thực hiện chậm trễ. Thậm chí, khách hàng sẽ cắt đơn hàng", ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho biết.

Còn nhà máy ngành may mặc, gia công cho Nike, Adidas thuộc Công ty TNHH May Tinh Lợi, đơn hàng mùa dịch hoàn tất chậm, để kịp giao hàng doanh nghiệp thậm chí phải giao bằng đường hàng không, chi phí tăng gấp 10 lần so với giao hàng bằng đường biển.

"Nếu thời gian giao hàng chậm, quá xa thì đối tác sẽ hủy đơn hàng, doanh nghiệp không thu hồi được vốn đã bỏ ra để mua nguyên liệu và chi phí sản xuất đã chi trả. Chúng tôi đã bỏ ra nhiều công sức trong thời gian dài để xây dựng, tạo lập uy tín. Vì vậy, việc giao hàng chậm, kéo dài sẽ khiến việc kéo đối tác quay lại trở nên khó khăn", ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi, chia sẻ.

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, các thị trường của ngành da giày có tổng cầu mạnh mẽ năm 2020 và 6 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng có thể lên đến 20 - 22 tỷ USD mỗi năm.

"Nếu doanh nghiệp ngừng sản xuất trong một thời gian ngắn thì các đối tác có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu quá trình ngừng sản xuất kéo dài thì các nhãn hàng sẽ dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Cơ hội cho Việt Nam sẽ bị mất là hiển nhiên", bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, nhận định.

Để gỡ khó, Thủ tướng chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế tổ chức khẩn trương đàm phán mua, tổ chức tiêm vaccine cho lao động ngành sản xuất theo đề xuất của 4 hiệp hội.

Dòng dịch chuyển đơn đặt hàng quốc tế mùa dịch

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) việc tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới. Các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ và EU sẽ nhanh chóng mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Việt Nam cần tận dụng thời gian này để có các đơn hàng lớn, sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, các ngành dệt may, da giày, điện tử Việt Nam đã có cơ hội tiếp nhận được nhiều đơn hàng quốc tế mới nhờ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn.

Sản xuất chậm do dịch bệnh, doanh nghiệp nguy cơ mất đơn hàng - Ảnh 2.

Nếu doanh nghiệp ngừng sản xuất trong một thời gian ngắn thì các đối tác có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu quá trình ngừng sản xuất kéo dài thì các nhãn hàng sẽ dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. (Ảnh minh họa: TTXVN)

"Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa. Thêm vào đó, sự bất ổn chính trị ở một số nước, vùng lãnh thổ đã ảnh hưởng lớn đến năng lực sản xuất dệt may của họ khiến các nhà mua hàng chuyển hướng sang Việt Nam. Nhờ vậy doanh nghiệp trong nước có thêm nhiều cơ hội tiếp nhận các đơn hàng xuất khẩu", ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho hay.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp Việt vi phạm hợp đồng, không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng hay thời gian giao hàng bởi giãn cách vì dịch bệnh, thiếu công nhân hay nguyên liệu đầu vào có thể đứng trước nguy cơ bị thay thế.

"Bức tranh chung hiện nay là sản xuất đang bị đình đốn. Ngừng sản xuất là không chỉ không có doanh thu, nguồn hàng mà điều doanh nghiệp sợ nhất là mất khách hàng. Việc này ảnh hưởng đến năm 2022 và những năm về sau. Chính vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng hiện nay là cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết.

"Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp, thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài", ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhấn mạnh.

Với ngành điện tử, hiện nay Samsung Electronics, khoảng trên 50% sản phẩm trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Ngành may mặc cũng có tỷ trọng đặt hàng tại Việt Nam khá lớn, lên đến 50% tùy nhãn hàng. Vì vậy, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát thì các đơn hàng mới có cơ hội ở lại để sản xuất tại Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh đưa 5 - 10% doanh nghiệp sản xuất trở lại TP Hồ Chí Minh đưa 5 - 10% doanh nghiệp sản xuất trở lại

VTV.vn - Từ ngày 15/8, nếu doanh nghiệp đáp ứng sản xuất an toàn 1 trong 4 phương án do UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra sẽ được hoạt động trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước