Sàn thương mại điện tử nước ngoài phải bổ sung giấy phép kinh doanh

VTV Digital-Thứ ba, ngày 09/08/2022 16:10 GMT+7

VTV.vn - Các sàn thương mại điện tử có vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam phải bổ sung Giấy phép kinh doanh trước ngày 1/1/2023 nếu chưa có đủ theo quy định.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa thông báo về việc bổ sung giấy phép kinh doanh đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Sàn thương mại điện tử nước ngoài phải bổ sung giấy phép kinh doanh - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có quy định cụ thể về bổ sung giấy phép kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được xác nhận đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và đang hoạt động mà chưa có giấy phép kinh doanh cập nhật hồ sơ, bổ sung giấy phép kinh doanh trước ngày 1/1/2023. Việc cập nhật tiến hành trực tuyến thông qua qua cổng online.gov.vn.

Trong khi đó, với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mới, cần cung cấp các loại giấy tờ gồm: bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức); bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân), giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

Nghị định 85/2021/NĐ-CP bổ sung nhiều quy định mới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cụ thể, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.

Theo đó, văn phòng đại diện hoặc nội dung ủy quyền phải đảm bảo các trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ngăn chặn những giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam; Thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; đồng thời thực hiện báo cáo theo quy định.

Để cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, thương nhân, tổ chức nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Thương mại điện tử được xác định là ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam sử dụng tên miền Việt Nam; website có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt hoặc có 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam/năm.

Các điều kiện tiếp cận thị trường bao gồm: nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế hoặc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn. Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam (theo danh sách do Bộ Công Thương công bố), phải có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an.

Các nhà đầu tư nước ngoài chi phối doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được xác định, khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư có quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm việc lựa chọn nền tảng công nghệ, hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường được xác định dựa trên các tiêu chí về số lượt truy cập, số lượng người bán, số lượng giao dịch, tổng giá trị giao dịch. Trường hợp này, nhà đầu tư thực hiện trong quá trình đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép kinh doanh theo quy định về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Các sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam phải có trách nhiệm xác thực danh tính của những thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử của mình.

Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử tăng mạnh Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử tăng mạnh

VTV.vn - Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam ước tăng trưởng trên 20%/năm, đạt hơn 75 nghìn tỉ đồng trong năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước