Theo số liệu mới cập nhật của Cơ quan Thống kê châu Âu, máy móc, thiết bị là mặt hàng chủ lực, chiếm 55% tổng giá trị hàng hóa EU xuất sang Trung Quốc. Năm 2019, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này của EU vào Trung Quốc là hơn 110 tỷ Euro và bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay, con số này vẫn tăng 56%.
Hiện máy cắt CNC, các loại cảm biến, thiết bị, dây chuyền tự động hóa công nghiệp… những sản phẩm có xuất xứ châu Âu được nhiều nhà máy ở Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, những sản phẩm này có thể phải nhường chỗ cho thiết bị cùng loại đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc với giá rẻ hơn khi Hiệp định Đối tác Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực.
Máy móc, thiết bị là mặt hàng chủ lực, chiếm 55% tổng giá trị hàng hóa EU xuất sang Trung Quốc.
"Khi RCEP có hiệu lực, Trung Quốc sẽ bỏ thuế nhập khẩu với hàng hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc nên các sản phẩm của châu Âu sẽ khó cạnh tranh", bà Hafida Benyacoub, nhà báo Bỉ, nhận định.
Theo các điều khoản của RCEP, 86% hàng hóa Nhật Bản và 83% hàng hóa Hàn Quốc sẽ được Trung Quốc giảm thuế về mức 0%, trong khi hàng hóa châu Âu vẫn chịu mức thuế 9,15%, được áp dụng từ năm 2017.
Thêm vào đó, quy định về nguồn gốc, xuất xứ trong các điều khoản của RCEP khiến các doanh nghiệp châu Âu càng khó khăn hơn khi làm ăn ở thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp châu Âu buộc phải tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng của mình nếu muốn cạnh tranh tại thị trường các nước châu Á nói chung. (Ảnh minh họa)
Các doanh nghiệp châu Âu sẽ buộc phải tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng của mình nếu muốn cạnh tranh tại thị trường các nước châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp châu Âu mở rộng hợp tác với các nước thành viên RCEP trong đó có Việt Nam", bà Hafida Benyacoub cho biết thêm.
Để giữ được thị trường Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của EU, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán cạnh tranh. Còn các nhà hoạch định chính sách EU liệu đã có giải pháp giúp doanh nghiệp giữ được thị trường, thông qua khai thác chuỗi cung ứng của khối RCEP, chẳng hạn như việc EU có thể tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), như nhiều chuyên gia kinh tế châu Âu nhận định? Đây vẫn là một câu hỏi chờ lời giải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!