Cụ thể, ngày 2/11, BoE đã đưa lãi suất từ 0,25% - mức thấp kỷ lục từ trước tới nay lên 0,5%. Theo Financial Times, quyết định tăng lãi suất của BoE không làm thị trường bất ngờ bởi quyết định này đã được dự đoán. Điều thị trường tài chính quan tâm lại là tỷ lệ bỏ phiếu tăng lãi suất của các thành viên Ủy ban tài chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương.
Với 7 phiếu ủng hộ, 2 phiếu phản đối, điều này gợi ý thị trường về chính sách sắp tới của BoE và những đánh giá của Ngân hàng Trung ương với tình hình kinh tế. Thị trường tài chính Anh dự đoán các động thái tăng lãi suất sẽ không dồn dập, nhiều khả năng sẽ chỉ có thêm hai đợt tăng nữa trong 3 năm tới.
Theo trang tài chính City buổi sáng, ước tính sơ bộ ngành ngân hàng Anh có lợi nhất sau quyết định này. Các ngân hàng có thể tăng lợi nhuận thêm 270 triệu Bảng trong năm nay khi lãi suất tiền gửi cũng tăng theo lãi suất cơ bản. Từ lâu, nhóm ngân hàng vẫn luôn phàn nàn việc lãi suất giữ thấp kỷ lục trong một thời gian quá lâu, khiến hoạt động kinh doanh của họ gặp nhiều khó khăn và mọi sự điều chỉnh tăng dù nhỏ nhất đều có ý nghĩa.
BOE lần đầu tiên nâng lãi suất trong một thập kỷ qua. Ảnh minh họa: EPA
Trái với ngân hàng, người có các khoản vay trả góp sẽ phải đối diện với nhiều áp lực trả lãi hơn - đây cũng là một nhan đề khác của Financial Times. Đa số người Anh mua nhà bằng trả góp vài chục năm. 10 năm qua, ước tính có khoảng 8 triệu người chưa một lần phải đối diện với áp lực lãi suất tăng trong giai đoạn tuổi trưởng thành. Một tính toán đưa ra dựa trên một khoản vay trung bình 200.000 Bảng trả dần trong khoảng 25 năm, ước tính mỗi năm tiền lãi sẽ bị cộng thêm 300 Bảng và nếu nhân lên vài chục năm sẽ là một con số không hề nhỏ. Tất nhiên, không phải người dân nào cũng thiệt bởi ai có tiền gửi ngân hàng vẫn được lợi nhờ một khoản lãi thêm từ chênh lệch lãi suất hiện nay và suốt 10 năm qua.
Còn với tình hình kinh tế vĩ mô, động thái mới nhất của Ngân hàng Trung ương Anh được cho là cần thiết đúng lúc và đủ thận trọng. Một áp lực lớn với kinh tế Anh lúc này là giá cả tiêu dùng khi lạm phát đã 3%, cao gấp rưỡi chỉ tiêu điều hành 2% của BOE.
Có ý kiến cho rằng, điều hành lãi suất ở Anh đã sang một giai đoạn mới và đã qua thời kỳ lãi suất thấp. Tuy nhiên, có lẽ không hẳn bởi Ngân hàng Trung ương Anh không có dấu hiệu vội đưa điều hành vĩ mô vào các mục tiêu ngắn hạn cụ thể ví dụ như lạm phát phải về đúng 2% trong thời gian ngắn.
Có một thành ngữ nổi tiếng bằng tiếng Anh hay được nhắc đến khi nói về Brexit là "có một con voi ở giữa căn phòng". Con voi ở đây là vấn đề Brexit và các hệ luỵ bất ổn chưa đoán định kéo theo với tình hình kinh tế Anh. Vì vậy, mọi động thái điều hành vẫn phải mang tính thích nghi, chờ đợi việc nền kinh tế sẽ phản ứng thế nào với những thay đổi thời gian tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!