Quỹ ngoại đang “chảy” vào thị trường chứng khoán Việt

Theo VOV-Thứ hai, ngày 29/02/2016 15:00 GMT+7

Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong một thập kỷ qua

VTV.vn - Bloomberg cho hay, các quỹ đầu tư từ Thụy Điển đến Hong Kong đều đang sẵn sàng để mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hãng tin Bloomberg nhận định, dòng quỹ ngoại đang “chảy” vào thị trường chứng khoán Việt Nam vì mức định giá thấp và tăng trưởng kinh tế nhanh vượt bậc trong hàng thập kỷ qua.

Theo thông tin từ Bloomberg, Quỹ Coeli Asset Management tại Thụy Điển và Quỹ Asia Frontier Capital tại Hong Kong đang lập kế hoạch mua thêm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016, trong bối cảnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Dự kiến, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ nằm trong top đầu của thế giới, với mức 6,7% trong năm nay. Chứng khoán Việt Nam đã tăng 8,5% kể từ mức thấp ghi nhận ngày 21/1, chạm ngưỡng trung bình mức dao động 100 ngày.

Bloomberg dẫn đánh giá của James Bannan - quản lý quỹ đầu tư của Coeli Asset Management - cho thấy quan điểm lạc quan về triển vọng của Việt Nam trong tương lai. “Chúng tôi sẽ tiếp tục rót vốn vào thị trường này. Chúng tôi quan tâm tới ngành tiêu dùng vì nó sẽ hưởng lợi việc công nhân chuyển từ nhà máy nội địa sang các doanh nghiệp FDI để hưởng mức lương cao hơn,” James Bannan nói.

Quỹ Coeli Asset Management (Thụy Điển) hiện đã rót 14% giá trị vào các quỹ tại thị trường Việt Nam - một trong những địa điểm nhận phân bổ vốn lớn nhất của quỹ. Tỷ lệ lợi nhuận tính theo đồng USD của các khoản đầu tư từ Coeli vào Việt Nam lên đến 27% trong năm 2015.

Còn theo ông Andreas Vogelsanger, giám đốc điều hành Quỹ AFC Vietnam Fund của Asia Frontier Capital (Hong Kong), các hiệp định thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam là lý do khiến chứng khoán Việt Nam sẽ hoạt động tốt hơn thị trường chung của châu Á. Giá trị quỹ AFC Vietnam Fund đã đã tăng hơn 40% giá trị kể từ khi thành lập 2 năm trước.

Ông Shamoon Tariq, nhà quản lý tiền tệ có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển), cho rằng chi tiêu của người tiêu dùng và việc tái cơ cấu sẽ củng cố sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Cổ phiếu của Vinamilk, doanh nghiệp niêm yết lớn nhất của Việt Nam, đã tăng 13% trong tháng trước, còn cổ phiếu của công ty xây dựng đầu tư hạ tầng Petro Capital cũng tăng tới 36%.

Thang Uong, nhà quản lý của Manulife Asset Management (Việt Nam), tỏ ra lạc quan về cổ phiếu các công ty về dịch vụ kho vận (logistics) và tiêu dùng. Ông cho rằng rủi ro lạm phát và sự mất giá hơn nữa của đồng VND sẽ gây lo ngại cho nhà đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá 3 lần trong năm 2015 để thúc đẩy xuất khẩu sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.

Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã tăng lên mức kỷ lục 14,5 tỷ USD năm ngoái, trong khi vốn cam kết tăng 12,5%. Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc hồi tháng 5/2015, và đã cùng Liên minh châu Âu phê chuẩn một thỏa thuận thương mại tự do mới trong tháng 12/2015.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay, trong đó sẽ thực hiện cắt giảm hàng rào thuế quan đối với một loạt các mặt hàng, từ xe hơi cho tới gạo.

Chuyên gia Andreas Vogelsanger nhận định, Việt Nam là nước có nhiều thỏa thuận thương mại tự do nhất trong khu vực và do đó có vị trí thế rất riêng, đặc biệt lại là một trong những nước có chi phí sản xuất thấp nhất trên thế giới.

Theo vị chuyên gia này, các hiệp định thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam là 2 “bệ phóng” giúp Việt Nam "vượt mặt" các thị trường châu Á khác.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước