Thông tin đáng chú ý được đưa ra tại một phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghệ 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. Ở Việt Nam, dù có khoảng 30 địa phương đã phê duyệt và triển khai các đề án phát triển đô thị thông minh, nhưng tính hiệu quả được cho là vẫn chưa cao do chưa kéo được người dân hay doanh nghiệp vào việc cùng xây dựng đô thị thông minh. "Quick-win" được xem là giải pháp ngắn hạn, hiệu quả.
Tại phiên thảo luận, các báo cáo đều cho rằng, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành "Khung tham chiếu ICT đô thị thông minh" hồi tháng 5 vừa qua là cơ sở để các địa phương có thể đẩy nhanh quá trình xây dựng những ứng dụng và dịch vụ đô thị thông minh.
Vậy đâu sẽ là những ứng dụng người dân, doanh nghiệp hay chính quyền cần trong một đô thị được gọi là thông minh? Lời giải là những ứng dụng "Quick-win", giúp mang đến lợi ích tức thì. Còn với doanh nghiệp, dịch vụ "Quick-win" giúp doanh nghiệp tiếp cận dữ liệu mở.
Chia sẻ bên lề hội thảo, đại diện Bộ thông tin và Truyền thông cho biết, một nghị định về quản lý chia sẻ dữ liệu, trong đó nhấn mạnh về dữ liệu mở (Open data) đã được trình Chính phủ xem xét. Dường như nút thắt đối với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp đô thị thông minh sắp được giải.
Cũng tại hội thảo, nhiều nền tảng công nghệ như: trí tuệ nhân tạo, IoT, Cloud, 5G... cũng đã được nhiều tập đoàn, chuyên gia chia sẻ khi triển khai xây dựng đô thị thông minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!